Phóng viên BBC tại Myanmar cho hay bà Suu Kyi sẽ phụ trách các vấn đề đối ngoại, năng lượng, giáo dục và đảm nhận chức bộ trưởng trong văn phòng tổng thống.
Danh sách thành viên nội các cho thấy sự bất ngờ vì xuất hiện cả tên của bà Suu Kyi bởi nhiều người cho rằng bà Suu Kyi sẽ kiểm soát chính phủ từ bên ngoài. Mới đây, phát ngôn viên của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), ông Zaw Myint Maung, còn nói bà Suu Kyi ít có khả năng nắm giữ vị trí chính thức trong chính phủ mới mà sẽ kiểm soát chính quyền thông qua chức vụ lãnh đạo NLD.
Theo cơ cấu chính trị phức tạp của Myanmar, nếu bà Suu Kyi trở thành ngoại trưởng, bà sẽ không được làm nghị sĩ cũng như phải tránh xa tất cả hoạt động của NLD.
BBC cho hay trong bản danh sách nêu trên, có 15 bộ trưởng được chính bà Suu Kyi lựa chọn, trong khi Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar - ông Min Aung Hlaing – chỉ định 3 bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quốc phòng và An ninh biên giới.
Quốc hội Myanmar dự kiến bỏ phiếu vào cuối tuần này để chốt danh sách.
Sau cuộc bầu cử ngày 15-3, ông Htin Kyaw, 69 tuổi, trợ thủ đắc lực và cũng là bạn thân hơn 60 năm của Chủ tịch NLD Aung San Suu Kyi, được lưỡng viện quốc hội bầu làm tổng thống dân cử đầu tiên kể từ năm 1962. Ông Htin Kyaw nói đây là một “chiến thắng của bà Suu Kyi”.
Hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo ngăn cấm bà Suu Kyi trở thành tổng thống vì có chồng và hai con mang quốc tịch nước ngoài (Anh). Dù không thuyết phục được quân đội sửa đổi hiến pháp, bà Suu Kyi vẫn tự tin tuyên bố sẽ “đứng trên cả tổng thống” bất chấp việc không được ra tranh cử.
Đảng NLD của bà Suu Kyi chiếm đa số ghế tại lưỡng viện quốc hội nên các vị trí nội các hầu hết do đảng này đề cử. Trong khi đó, phe quân đội chỉ nắm 1/4 số ghế - tương đương 166 ghế, thêm 41 ghế do Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn nắm giữ - nhưng tiềm lực vẫn khá mạnh mẽ.
Bình luận (0)