Quân đội Myanmar hôm 1-2 ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và bổ nhiệm tướng về hưu Myint Swe làm quyền tổng thống sau khi bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint và các quan chức cấp cao khác thuộc Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền.
Quân đội Myanmar cũng cho biết sẽ tổ chức "một cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng" sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, quân đội Myanmar nêu rõ trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 11 năm ngoái sẽ được xem xét lại.
Một thông báo được đăng trên kênh Myawaddy TV thuộc sở hữu của quân đội cho biết động thái ban bố tình trạng khẩn cấp là cần thiết để duy trì "sự ổn định" của Myanmar, đồng thời cáo buộc Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar đã không giải quyết "những bất thường lớn" trong cuộc bầu cử nói trên.
Thông báo cũng cho biết quyền lực tại Myanmar đã được chuyển giao cho ông Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, người sẽ chịu trách nhiệm về lập pháp, hành chính và tư pháp. Không chỉ NLD, tuyên bố còn cáo buộc các tổ chức đảng khác đã làm tổn hại đến sự ổn định của đất nước. Theo nguồn tin của NLD, thủ hiến bang Karen và một số lãnh đạo khu vực khác cũng đã bị bắt giữ.
Binh sĩ đứng gác tại một trạm kiểm soát trên đường tới trụ sở quốc hội ở thủ đô Naypyitaw - Myanmar hôm 1-2 Ảnh: REUTERS
Động thái trên diễn ra vài giờ sau khi bà Suu Kyi và các nhân vật cấp cao khác của NLD cầm quyền bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng 1-2. Trước đó, căng thẳng giữa chính phủ và quân đội đã kéo dài nhiều tuần liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử.
Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar đến nay vẫn bác bỏ cáo buộc của quân đội, đồng thời nhấn mạnh không có sai sót đáng kể nào ảnh hưởng đến độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu. Tuy NLD chiến thắng vang dội, giành quyền kiểm soát cả 2 viện quốc hội nhưng 1/4 số ghế trong quốc hội Myanmar được dành riêng cho quân đội theo hiến pháp năm 2008. Hiến pháp cũng trao quyền kiểm soát 3 bộ chủ chốt gồm bộ nội vụ, bộ quốc phòng và biên giới cho quân đội Myanmar.
Theo hãng tin Reuters, một tài khoản Facebook được xác minh thuộc NLD hôm 1-2 đăng tuyên bố thay mặt nhà lãnh đạo Suu Kyi, với nội dung kêu gọi người dân không chấp nhận cuộc đảo chính quân sự và hãy biểu tình. NLD cho biết tuyên bố này được viết trước ngày 1-2.
Sau khi các nhà lãnh đạo NLD bị bắt, mạng viễn thông ở thủ đô Naypyitaw và trung tâm thương mại chính Yangon bị gián đoạn trong khi đài truyền hình nhà nước bị ngắt sóng. Bất ổn khiến người dân đổ xô đi rút tiền tại các cây ATM và tích trữ lương thực. Theo trang Myanmar Times, một số siêu thị tại TP Yangon thông báo sẽ đóng cửa sớm phụ thuộc vào diễn biến tại nước này, đồng thời thúc giục người dân không hoảng loạn mua sắm.
Quân đội Myanmar tuyên bố lên nắm quyền trong 1 năm, với quyền lực được giao lại cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing
Hiệp hội Ngân hàng Myanmar cũng thông báo các ngân hàng tại nước này nhất trí tạm ngưng tất cả dịch vụ tài chính từ ngày 1-2 do kết nối mạng kém. Tình hình càng căng thẳng khi cơ quan chính phủ phụ trách du lịch hàng không Myanmar thông báo ngừng tất cả chuyến bay chở khách tại nước này, theo hãng tin AP. Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar cho biết trên trang Facebook rằng đường đến sân bay quốc tế ở TP Yangon đã bị phong tỏa hôm 1-2 trong khi thông báo trên Twitter rằng tất cả sân bay ở Myanmar đã đóng cửa. Myanmar đã chứng kiến 2 cuộc đảo chính vào năm 1962 và 1988 kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1948.
Thế giới lên tiếng
Trong lúc Úc, Anh, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ... lên án cuộc chính biến ở Myanmar thì Trung Quốc kêu gọi các bên "giải quyết bất đồng" trên cơ sở tôn trọng hiến pháp để duy trì ổn định.
Từ Nhà Trắng, người phát ngôn Jen Psaki cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo vụ việc, đồng thời cảnh báo rằng Washington "sẽ có biện pháp phản ứng". Trong thông cáo cùng ngày 1-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi quân đội thả tất cả quan chức chính phủ Myanmar và tôn trọng nguyện vọng mà người dân nước này đã thể hiện trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11-2020.
Nhiều nhà lãnh đạo khác như Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel... cũng kêu gọi tôn trọng ý nguyện của người dân và lên án việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint cùng các quan chức khác ngay đúng ngày quốc hội khóa mới của Myanmar họp phiên đầu tiên là "đòn nghiêm trọng giáng vào tiến trình cải cách dân chủ".
Trong số các nước láng giềng Đông Nam Á, Singapore kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar kiềm chế và hợp tác để có được kết quả hòa bình, tích cực. Lời kêu gọi này tương tự phản ứng của Malaysia và Indonesia, trong đó Jakarta nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc dân chủ và hiến pháp, còn Kuala Lumpur thúc giục không dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp bầu cử. Trong khi đó, Thái Lan, Campuchia và Philippines gọi diễn biến ở Myanmar là "vấn đề nội bộ".
Hải Ngọc
Bình luận (0)