Ông Thein Sein là nhà lãnh đạo Myanmar đầu tiên thăm Anh trong hơn 25 năm qua. Trong bài phát biểu ngày 15-7, ông nhấn mạnh: “Tôi đảm bảo đến cuối năm nay, sẽ không còn tù nhân chính trị ở Myanmar” và cho biết thêm một ủy ban đặc biệt đang xem xét vấn đề này.
Từng thăm Myanmar vào năm ngoái, trong lần gặp này, Thủ tướng Anh David Cameron tiếp tục khuyến khích Tổng thống Thein Sein đẩy mạnh cải cách. Ngoài ra, ông Cameron muốn ông Thein Sein đảm bảo rằng hiến pháp sẽ được sửa đổi để thủ lĩnh đối lập, bà Aung San Suu Kyi, có thể ra tranh cử tổng thống năm 2015, đồng thời hối thúc nước này khống chế tình trạng bạo lực tôn giáo nhắm vào thiểu số người Hồi giáo.
Ông Thein Sein (phải) là nhà lãnh đạo Myanmar đầu tiên thăm Anh sau 25 năm.
Myanmar từng là thuộc địa của Anh. Ảnh: Reuters
Về vấn đề bạo lực, ông Thein Sein cho hay ông đã giải tán lực lượng an ninh bị cáo buộc xâm phạm quyền lợi của người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine. Ông cũng cho biết đang tiến đến gần một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc để chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột.
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền không tin thế. Khoảng 30 thành viên của nhóm Avaaz đã biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội Anh kêu gọi Thủ tướng Cameron “đừng để Myanmar biến thành một Rwanda khác”. Tại Rwanda đã xảy nạn diệt chủng vào năm 1994 với hàng trăm ngàn người bị giết hại.
Ít nhất 237 người đã thiệt mạng ở Myanmar trong các vụ đụng độ tôn giáo – chủ yếu là giữa đạo Hồi thiểu số và đạo Phật đa số - hồi năm ngoái và khoảng 150.000 người phải sơ tán. Hầu hết nạn nhân là người theo đạo Hồi và các sự kiện đẫm máu nhất đều xảy ra ở Rakhine.
Sau chuyến thăm Anh, ông Thein Sein tiếp tục đến Pháp. Trước đó, ông cũng trở thành nguyên thủ đầu tiên của Myanmar thăm Mỹ kể từ năm 1966.
Bình luận (0)