Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của châu Âu hôm 7-10 cho biết nhiệt độ trong tháng 9-2020 cao hơn 0,05 độ C so với tháng 9-2019 và cao hơn 0,08 độ C so với tháng 9-2016. Đây là hai tháng 9 được xem là nóng nhất và nhì từng được ghi nhận.
Trước đó, hai tháng 1 và 5 của năm 2020 cũng có nhiệt độ cao kỷ lục. Ngoài ra, theo hãng tin Bloomberg, lượng băng ở biển Bắc cực trong tháng 9 đạt mức thứ hai thấp nhất từng được ghi nhận, tiếp tục đà sụt giảm nhanh chóng kể từ khi vệ tinh theo dõi lượng băng ở đó vào năm 1979.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực khống chế đám cháy ở TP Calistoga, bang California- Mỹ vào đầu tháng này. Ảnh: REUTERS
Cơ quan trên nhận định nhiệt độ toàn cầu tính từ đầu năm đến giờ chỉ chênh lệch đôi chút so với cùng kỳ năm 2016, năm nóng nhất từng được ghi nhận. Vùng Siberia ở Bắc cực và Đông Nam châu Âu đặc biệt cảm nhận rõ tác động của tình trạng nóng lên do biến đổi khí hậu. Tại bang California - Mỹ, nhiệt độ ban ngày ở hạt Los Angeles có lúc lên đến 49 độ C trong lúc 5/6 trận cháy rừng lớn nhất lịch sử kéo dài đến cuối tháng 9.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda hôm 7-10 đánh giá biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh quốc gia Mỹ, ông Kuroda cho rằng một số khu vực châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những hậu quả kinh tế của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo Reuters, ông Kuroda kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ cho các đảo quốc nhỏ đang bị nước biển dâng đe dọa, đồng thời nỗ lực phát triển năng lượng thay thế và giảm phát thải khí nhà kính.
Bình luận (0)