Nelson Mandela (tên thường gọi là Madiba) đã không tham gia chính trường Nam Phi gần một thập kỷ qua nhưng ông vẫn còn là một biểu tượng cho sự hứa hẹn có sức thuyết phục mạnh mẽ của “đất nước cầu vồng”. Lúc này đây, sức khỏe của ông ngày càng sa sút và sự lo lắng của dư luận biểu hiện rõ nét hơn, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng: Chuyện gì sẽ xảy ra khi Mandela từ giã cõi đời này?
Di sản khổng lồ
Mandela có thể được khen ngợi vì đã thuyết phục người Nam Phi da trắng về các ưu điểm của nền dân chủ tự do, bảo đảm ổn định kinh tế sau cuộc bầu cử năm 1994 và các vị tổng thống sau này vẫn tiếp tục đi theo con đường của ông. Ở Nam Phi ngày nay, yếu tố chủng tộc ít tạo ra sự hỗn loạn về chính trị. Thực ra, một số người da trắng còn than phiền về tình trạng phân biệt đối xử và “sự phân biệt chủng tộc ngược”, đồng thời tự thành lập những tổ chức xã hội dân sự. Tuy nhiên nhìn chung, người Nam Phi da trắng chưa bao giờ thịnh vượng và tự do hơn lúc này.
Đất nước Nam Phi những năm gần đây ít gây ấn tượng hơn khi Mandela còn là tổng thống và có những mối lo ngại thực sự về con đường đi phía trước. Cựu Tổng thống Thabo Mbeki đã gánh chịu thất bại to lớn về một số mặt, đáng chú ý nhất là ông đã không chú tâm đến bệnh dịch AIDS đang ảnh hưởng đến Nam Phi. Hậu quả là 300.000 người bị mất mạng mặc dù cái chết của họ có thể ngăn ngừa được. Sự lưu tâm chăm sóc toàn dân được cho là phần chủ yếu trong chỉ thị thời hậu Apartheid của đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Còn đương kim Tổng thống Jacob Zuma dường như chỉ quan tâm đến sự tự đề cao mình. Như thế, tệ nạn tham nhũng gia tăng là điều có thể cảm thấy được và còn tệ hại hơn dưới chế độ da trắng. Năm 1999, thời điểm Mandela rời khỏi chức vụ, Nam Phi được Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp thứ 34 về chỉ số tham nhũng. Năm 2012, nước này đã xuống hạng 69.
Hiện diện về tinh thần
Cho đến nay, chính phủ Nam Phi đã giảm bớt được nạn nghèo đói và mở rộng phúc lợi xã hội. Số người được hưởng phúc lợi xã hội tăng lên gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 1997-2011, tức tăng lên đến 16 triệu người, hơn gấp đôi số người đóng thuế thu nhập cá nhân. Thế nhưng, tình trạng thất nghiệp lại tăng gấp đôi và gánh nặng đè lên đôi vai của những người đóng thuế đã tăng đến mức không thể chịu đựng được. Hiện nay, gần 37% dân số 50 triệu người thất nghiệp, tỉ lệ này cao gấp 2 lần trong giới trẻ. Khả năng của chính phủ Nam Phi thực là có giới hạn trong việc tái phân phối từ người da trắng giàu có cho người nghèo.
Thực ra, các nhà lãnh đạo Nam Phi kế nhiệm Mandela kể từ năm 1999 đã giảm sút uy tín so với tấm gương Mandela. Vấn đề cơ bản mà Nam Phi đối đầu không còn là hòa giải chủng tộc mà liệu Nam Phi có thể tạo ra nền kinh tế và hệ thống chính trị cho phép mọi người hy vọng về một thời kỳ quá độ hòa hoãn từ chế độ Apartheid sang chế độ dân chủ hay không. Câu trả lời là không. Nam Phi sẽ cần một nhà lãnh đạo không phải theo khuôn mẫu anh hùng của Mandela mà là người có khả năng tạo ra một môi trường chính trị để vượt qua tham nhũng và quan điểm chính trị cũ kỹ vốn đang kìm giữ nước này không thực hiện được quan điểm của con người vĩ đại Mandela.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Trevor Manuel cho rằng mỗi người đều phải ghi nhớ sự đóng góp của cựu Tổng thống Nelson Mandela cho đất nước này. “Chúng ta phải mang di sản của ông hướng về tương lai. Mọi người đều phải là Nelson Mandela. Chúng ta hiểu rằng sự hiện diện về thể xác và lý trí của Mandela chỉ là một phần sự đóng góp của ông. Ông sẽ mãi mãi hiện diện về mặt tinh thần” - ông Manuel nhấn mạnh.
Người da trắng lo sợ Cuộc sống của người Nam Phi da trắng hiện rất tốt đẹp và vì thế, nhiều người lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra với họ khi Mandela mất. Theo website SA Breaking News, một bộ phận người Nam Phi da trắng hiện đang sống trong tâm trạng nơm nớp lo âu chờ ngày Mandela qua đời. Người ta bắt gặp trên các website nhiều câu thể hiện nỗi sợ đó, như: “Người da đen sẽ thảm sát người da trắng sau khi Mandela mất”, “Người dân Nam Phi lo sợ Mandela mất đi”, “Liệu người da trắng có bị diệt chủng ở Nam Phi sau khi Mandela qua đời?”… Thậm chí, các tổ chức cực hữu đã cảnh báo người da trắng hãy sẵn sàng và có kế hoạch trước để bảo vệ gia đình mình. Nhiều nơi trên thế giới như Úc, Anh và Mỹ đã đưa tin về nỗi sợ hãi của người da trắng ở nước này về Nam Phi thời hậu Madiba. |
Bình luận (0)