Trong khi hàng trăm triệu người Hoa ở lục địa đếm ngược chờ phút giao thừa chào đón năm con rồng thì hàng ngàn thai phụ đua nhau đến Hồng Kông cũng hồi hộp chờ ngày sinh “tiểu long”, tạo áp lực khủng khiếp lên các bệnh viện công - tư của Đặc khu Hành chính nước CHND Trung Hoa này.
Sinh đẻ theo hạn ngạch
Từ nhiều năm nay, các khoa sản ở Hồng Kông luôn trong tình trạng quá tải bởi làn sóng thai phụ đến từ Trung Hoa lục địa đi theo tour “du lịch sinh sản” cũng như thông qua các công ty môi giới hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Năm nay, tình trạng “cháy phòng sinh” càng trầm trọng gấp nhiều lần do rất nhiều người muốn sinh “tiểu long”.
Hồng Kông chỉ có 30 giường nhưng phải chứa gấp đôi do có con những người đến từ lục địa. Ảnh: AP
Trong gần 15 năm thực hiện chủ trương “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc, Đặc khu Hành chính Hồng Kông trở thành điểm đến lý tưởng của các thai phụ Trung Quốc bất chấp hạn ngạch ngày càng eo hẹp do chính quyền địa phương đặt ra đối với họ để giảm bớt áp lực nặng nề đè lên các cơ sở y tế.
Nhưng cửa ải hạn ngạch thường bị vô hiệu bởi sự tiếp tay của những công ty dịch vụ Hồng Kông bảo đảm khách qua cửa khẩu biên giới an toàn, có chỗ ăn, chỗ ở tạm, một suất sinh đẻ ở bệnh viện như ý, thậm chí đăng ký vào “nhà trẻ điểm”.
Ngoài ra, các thai phụ lục địa còn sử dụng một “chiêu độc” khác là gần tới giờ sinh mới vượt biên giới trái phép rồi xộc vào phòng cấp cứu bệnh viện công nằm gần biên giới. Năm nào, phòng cấp cứu các bệnh viện này cũng nhận được những trường hợp sinh nở khẩn cấp không thể từ chối. Năm 2011, số lượng nhập viện sinh con vào giờ chót của thai phụ đến từ lục địa lên đến 1.650 ca, tăng gấp đôi so với năm 2010.
Năm con rồng này, chính quyền Hồng Kồng đã chủ động “chặt” bớt hạn ngạch còn 34.000 ca mà thôi (bao gồm các bệnh viện công và tư) để ưu tiên cho người địa phương bởi đã có phản ứng giận dữ của các thai phụ địa phương. Năm 2011, có đến gần một nửa cháu bé sinh đẻ ở Hồng Kông có cha mẹ là người Hoa lục địa. Con số cụ thể là 38.043 trên tổng số 80.131 bé. Năm nay, chắc chắn số lượng trẻ sơ sinh sẽ tăng nhiều bởi là năm đặc biệt.
Tăng viện phí
Kèm theo hạn ngạch là các biện pháp ngặt nghèo không kém như thắt chặt kiểm soát ở cửa khẩu biên giới. Nhân viên Sở Di trú Hồng Kông ở cửa khẩu có quyền từ chối các bà mẹ mang thai dưới 7 tháng, chưa đăng ký sinh tại một bệnh viện công hoặc tư ở Hồng Kông và chưa đóng trước 5.000 USD tiền chăm sóc trẻ sơ sinh. Tăng gấp nhiều lần viện phí và truy quét đám “cò sinh đẻ” cũng là những biện pháp bổ sung.
Lượng người lục địa quá đông khiến người Hồng Kông gặp khó khăn trong việc đăng ký trước phòng sinh. Bác sĩ Trưởng Khoa sản Bệnh viện Prince of Wales T.H. Cheung cho biết số người đăng ký sinh đến hết tháng 6 năm nay tại bệnh viện đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2011. Bệnh viện đang xây thêm phòng sinh để đáp ứng nhu cầu đặc biệt năm con rồng đồng thời cũng tăng viện phí để làm nản lòng các thai phụ lục địa.
Biểu tình phản đối
Zumi Fung, một thai phụ Hồng Kông, cho biết sau khi cấn thai được vài tuần, phải đặt cọc trước 9.700 đô la Hồng Kông khi đăng ký phòng sinh vì sợ “cháy phòng”. Năm ngoái đã có những trường hợp thai phụ Hồng Kông sinh con trong hành lang bệnh viện do thiếu phòng sinh.
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn một tuần, bất chấp trời mưa và gió rét, chị Zumi Fung tham gia một cuộc tuần hành của hàng chục thai phụ Hồng Kông yêu cầu chính quyền bãi bỏ điều luật tự động cấp quyền công dân cho trẻ sinh đẻ tại Hồng Kông khiến họ gặp nhiều khó khăn khi sinh nở. Cùng đi với họ có chồng và thành viên các tổ chức quần chúng có chung quan điểm.
Chị Fung bức xúc: “Nếu những người từ lục địa đến đây chỉ để chia sẻ tài nguyên và lợi lộc mà không hề đóng góp gì thì đó là một vấn đề cần xem xét lại”. Thật vậy, hàng chục ngàn người mong có con trong năm đại cát này cảm thấy bất mãn vì họ phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nơi sinh, nhà trẻ và trong tương lai là trường học (từ tiểu học đến đại học) bởi cơ sở hạ tầng ở Hồng Kông có hạn.
Kỳ tới: Cái giá phải trả
Bình luận (0)