Hình ảnh vệ tinh được Đài quan sát Trái Đất của NASA công bố cho thấy một đám nước đổi màu thoát ra từ núi lửa ngầm Kavachi, nằm cách đảo Vangunu thuộc quần đảo Solomon khoảng 24 km về phía Nam.
Theo Đài quan sát Trái Đất, thiết bị Operational Land Imager-2 (OLI-2) trên vệ tinh Landsat 9 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đã bắt được khoảnh khắc trên. Chương trình Núi lửa toàn cầu Smithsoniam cho hay núi lửa này đã bước vào giai đoạn phun trào từ tháng 10-2021 và một số hình ảnh về nước đổi màu đã được chụp quanh Kavachi.
Cận cảnh vụ phun trào của "Cá mập phun lửa" - Ảnh: U.S. GEOLOGYCAL SURVEY/NASA
Tuy vậy, khoảnh khắc vừa được công bố là khoảnh khắc quý giá bởi đám nước rõ ràng đang bùng lên từ phía núi lửa ngầm.
"Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những đám nước quá nóng, có tính axit thường chứa các hạt vật chất, các mảnh đá núi lửa và lưu huỳnh. Một cuộc thám hiểm khoa học năm 2015 tới núi lửa đã tìm thấy hai loài cá mập, bao gồm cả cá đầu búa, sống trong miệng núi lửa ngập nước" - báo cáo của NASA cho biết.
Theo Daily Mai, vùng nước trong miệng núi lửa mà các con cá mập chọn làm "căn cứ" rất nóng và có tính axit cao, nhưng cá mập đã đột biến để thích nghi. Vì thế, cá mập ở đây là một kho tàng bí ẩn đối với giới sinh vật học.
Đài quan sát Trái Đất trích dẫn một báo cáo hải dương học năm 2016 mang tên "Khám phá Sharkcano" cho hay họ còn tìm thấy các cộng đồng vi sinh vật phát triển mạnh nhờ lưu huỳnh.
Sự hiện diện của cá mập trong miệng núi lửa cũng đặt ra những câu hỏi mới về sinh thái của các núi lửa ngầm đang hoạt động dưới đại dương, cũng như cách các động vật biển lớn có thể biến đổi và thích nghi với môi trường cực đoan
Hình ảnh tổng quan hơn cho thấy khu vực xảy ra phun trào - Ảnh: U.S. GEOLOGYCAL SURVEY/NASA
Trước đó, các vụ phun trào lớn của Kavachi đã được quan sát vào năm 2014 và 2007. Núi lửa phun trào gần như liên tục, và cư dân của các hòn đảo sinh sống gần đó thường báo cáo nhìn thấy hơi nước và tro bụi.
Kể từ lần phun trào đầu tiên được ghi nhận vào năm 1939, Kavachi đã nhiều lần tạo ra những hòn đảo phù du. Nhưng những hòn đảo dài tới một km đã bị xói mòn và cuốn trôi bởi tác động của sóng. Đỉnh của núi lửa hiện được ước tính nằm dưới mực nước biển 20 m, cấu trúc ngọn núi chiếm lĩnh một vùng đáy biển với độ sâu lên đến 1,2 km.
Kavachi được hình thành trong một khu vực hoạt động kiến tạo, tức một vùng hút chìm, phun ra thứ dung nham giàu ma-giê và sắt, andesitic, chứa nhiều silica hơn dung nham của đa số núi lửa thông thường. Nó từng có có các vụ phun trào cực đại, trong đó sự tương tác của magma và nước gây ra các vụ nổ phun ra hơi nước, tro bụi, đá núi lửa...
Bình luận (0)