Phát biểu của bà Hutchison là bình luận mới nhất từ quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho thấy sự mất lòng tin của Mỹ đối với Trung Quốc cũng như những nỗ lực bền bỉ của nước này nhằm thuyết phục các đồng minh coi Trung Quốc là "nguy cơ".
Bà Hutchison nói với South China Morning Post: "Tôi nghĩ chúng ta khá chậm trễ trong việc đánh giá Trung Quốc là một nguy cơ".
Phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, bà Hutchison nói rằng "thế giới đã cố gắng cho Bắc Kinh cơ hội tham gia dựa trên cơ sở tôn trọng "trật tự dựa trên quy tắc song thực tế cho thấy khó lòng tin tưởng họ hành xử công bằng".
Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cho rằng Trung Quốc không tuân thủ quy tắc mà họ đã cam kết. Ảnh: Reuters
Bình luận của bà Hutchison tiếp sau những nhận xét tương tự vào ngày 7-12 của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh NATO sẵn sàng duy trì phối hợp với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Tổng thư ký NATO nói thêm rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc "thực sự đang thay đổi môi trường an ninh mà chúng ta phải đối mặt".
Theo báo cáo NATO 2030 công bố hồi tuần trước, "phạm vi quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức thật sự, đặc biệt là lộ trình để mở rộng tham vọng về lãnh thổ".
Chuyên gia Carisa Nietsche tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho biết Bắc Kinh đã cố gắng ủng hộ các thành viên NATO có hướng phát triển hòa hợp với mình, chẳng hạn như Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, ông Andrew Small của chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall Đức nói rằng một số thành viên NATO do dự trong việc đối đầu với Trung Quốc vì họ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của NATO với Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thay đổi môi trường an ninh. Ảnh: EPA-EFE
Ông Andrew Small nhận định NATO "thực sự tụt lại phía sau trong phân tích cơ bản về các rủi ro liên quan đến Trung Quốc", điều lẽ ra phải được NATO lưu ý ngay từ khi Mỹ nêu vấn đề.
Hai năm qua, Mỹ từng bước vận động các đối tác châu Âu, nhiều nước trong số đó là thành viên của NATO, về vấn đề công nghệ 5G của Trung Quốc. Một trong các cáo buộc chủ yếu của Mỹ là nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia và việc chia sẻ tình báo xuyên Đại Tây Dương.
Ở Washington, chính quyền Tổng thống Trump không đơn độc trong nỗ lực thuyết phục các đồng minh của Mỹ có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ngày 8-12, với 335 phiếu thuận và 78 phiếu chống, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2021, buộc Lầu Năm Góc xem xét lại việc có gửi vũ khí hoặc quân đội đến các nước đồng minh ở nước ngoài hay không nếu các nước đó sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 9-12 cảnh báo các trường đại học Mỹ cảnh giác trước sinh viên Trung Quốc. Ông Pompeo nói các sinh viên Trung Quốc bị lôi kéo, trở thành gián điệp cho Bắc Kinh. "Trung Quốc biết họ không bao giờ sánh được với Mỹ về khả năng sáng tạo. Đó là lý do tại sao mỗi năm Bắc Kinh gởi 400.000 sinh viên tới xứ cờ hoa".
Trong bài phát biểu ở Viện Công nghệ Georgia, ông Pompeo nói rằng sinh viên Trung Quốc về nước bị khai thác thông tin.
Bình luận (0)