Động thái sáp nhập bán đảo Crimea (Ukraine) năm 2014 làm dấy lên lo ngại Nga sẽ thôn tính Ba Lan hoặc các nước vùng Baltic trong tương lai gần. NATO lập tức tăng cường phòng thủ khu vực sườn phía Đông châu Âu để ngăn chặn Nga sau khi Quốc hội Mỹ thông qua tài khóa 2017, trong đó tăng chi tiêu quốc phòng tại châu Âu lên mức 3,7 tỉ USD (gấp 4 lần so với năm ngoái).
Các bộ trưởng quốc phòng NATO vào tuần tới sẽ phác thảo kế hoạch xây dựng mạng lưới tiền đồn nhỏ ở Đông Âu, luân chuyển lực lượng, tập trận và hậu cần để sẵn sàng triển khai lực lượng phản ứng nhanh, bao gồm không quân, hải quân và đặc nhiệm 40.000 người.
Các đồng minh của khối cũng dự định yêu cầu Nga nối lại cuộc đối thoại trong Hội đồng NATO – Nga, vốn bị đình trệ từ năm 2014, mục đích cải thiện tính minh bạch về quân sự, tránh sự cố bất ngờ và gây hiểu lầm.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rõ kế hoạch trên có nghĩa là khu vực Đông Âu sẽ tiếp nhận thêm binh sĩ, xe tăng, xe bọc thép, các cuộc tập trận và được đầu tư cơ sở hạ tầng. Kế hoạch này củng cố thông điệp của Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Estonia vào năm 2014, rằng NATO sẽ giúp 3 nước Baltic giữ vững độc lập.
Nếu được quốc hội chấp thuận, Mỹ sẽ huy động một lữ đoàn thiết giáp tới Đức và Đông Âu, từ Bulgaria tới Estonia.
Một nhà ngoại giao NATO giải thích lực lượng nhỏ ở Đông Âu chỉ là sự hiện diện mang tính biểu tượng vì trong hiệp ước khi thành lập NATO, một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của khối đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào toàn bộ 28 thành viên, bao gồm Anh, Pháp hay Mỹ.
Thêm vào đó, NATO cho biết sẽ từ chối yêu cầu đặt căn cứ thường trú tại Ba Lan, thay vào đó sẽ đặt luân phiên tại các nước Baltic. Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ xem hành động xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở Đông Âu là mối đe dọa và sẽ có hành động đáp trả.
Bình luận (0)