Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tận dụng lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO hôm 25-5 để yêu cầu các nước châu Âu đóng góp công bằng và hoàn thành nghĩa vụ tài chính của mình.
Công khai phàn nàn
Phát biểu trước lãnh đạo những thành viên còn lại của NATO tại thủ đô Brussels - Bỉ, ông Donald Trump không ngần ngại chỉ trích một số thành viên đang nợ Mỹ và NATO "những khoản tiền lớn", cũng như cho rằng điều này không công bằng với người dân, người đóng thuế ở Mỹ. Theo Tổng thống Mỹ, hiện có 23/28 thành viên NATO không thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình, tức dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng như đã nhất trí tại một hội nghị hồi năm 2014.
Các nhà ngoại giao NATO hôm 25-5 tìm cách xoa dịu ông Trump khi cho biết các nước đồng ý vào cuối năm nay sẽ đưa ra kế hoạch về việc làm thế nào chinh phục mục tiêu này năm 2024. Ngay cả tỉ lệ 2% vẫn không làm ông Trump hài lòng bởi nhà lãnh đạo này cho rằng đây chỉ là mức tối thiểu để đối phó với các mối đe dọa nghiêm trọng hiện nay.
Đáng chú ý là trong lúc phàn nàn về vấn đề tài chính, ông Donald Trump lại không đưa ra lời cam kết công khai nào đối với Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể dù hứa hẹn Mỹ "sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn bè đã sát cánh bên cạnh nước này". Thay vào đó, Tổng thống Mỹ kêu gọi NATO tập trung nhiều hơn vào vấn đề nhập cư và cuộc chiến chống khủng bố, nhất là sau khi xảy ra vụ đánh bom tự sát ở TP Manchester - Anh vào đầu tuần này.
Phát biểu trên có thể được xem là sự giảm nhẹ so với lời đe dọa được ông Donald Trump đưa ra khi tranh cử, theo đó Mỹ sẽ "bỏ mặc" các đồng minh châu Âu nếu họ không thực hiện đúng cam kết chi tiêu quốc phòng. Ngay cả khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định Washington ủng hộ Điều 5 nói trên, nhiều nhà lãnh đạo NATO dường như chỉ thấy yên tâm hơn nếu đích thân ông Donald Trump nói ra những lời này.
Các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 25-5Ảnh: Reuters
Thông điệp rõ ràng
Tờ The New York Times bình luận những phát biểu nói trên cho thấy Tổng thống Donald Trump không quá chú trọng đến chuyện trấn an đồng minh trong chuyến công du châu Âu đầu tiên của mình như kỳ vọng của nhiều người. Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên nhận định phát biểu trên của ông Donald Trump không phù hợp về thời điểm, địa điểm và khiến các nhà lãnh đạo khác thấy không thoải mái.
Dù vậy, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng những phát biểu của ông Donald Trump dù "thẳng thừng" nhưng đã phát đi một thông điệp rõ ràng và đơn giản về những kỳ vọng đối với các đồng minh trong NATO. Trong dấu hiệu cho thấy thông điệp của Tổng thống Donald Trump ít nhiều được lắng nghe, NATO đã đồng ý đóng vai trò lớn hơn trong chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những nhóm khủng bố khác dù Pháp và Đức nhấn mạnh động thái này chỉ mang tính biểu tượng.
Theo ông Stoltenberg, NATO sẽ không tham gia chiến dịch chiến đấu mà chỉ mở rộng hoạt động giám sát trên không phận những vùng lãnh thổ đang bị IS chiếm giữ và thành lập một bộ phận tình báo chống khủng bố để cải thiện việc chia sẻ thông tin. Không dừng lại ở đó, NATO sẽ cân nhắc tăng quân ở Afghanistan sau khi chính quyền Mỹ xem xét bổ sung từ 3.000 đến 8.400 binh sĩ tại đó để hỗ trợ lực lượng chính phủ nước chủ nhà chống cả nhóm Taliban và chi nhánh của IS.
Một số nhà phân tích cho rằng bất chấp bài phát biểu nói trên của ông Donald Trump, bầu không khí của hội nghị hôm 25-5 dù sao vẫn tốt hơn kỳ vọng và đó có lẽ là thành tựu lớn nhất các nhà lãnh đạo NATO đạt được tại cuộc gặp. Thêm một yếu tố tích cực khác là sự hiện diện của Thủ tướng Dusko Markovic của Montenegro - quốc gia dự kiến trở thành thành viên thứ 29 của NATO vào tháng tới - tại hội nghị.
Dù vậy, những diễn biến tích cực nói trên có thể vẫn chưa đủ giúp các quốc gia châu Âu và nước Mỹ thời ông Donald Trump thu hẹp khoảng cách trong lập trường về mục đích, hướng đi tương lai của NATO và mối quan hệ phức tạp với Nga. Thái độ thân thiện của ông chủ Nhà Trắng với Moscow khiến châu Âu lo ngại Mỹ không còn ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bình luận (0)