Khi chữa trị cho một người bị bỏng, bác sĩ sẽ dùng phần da lành lặn như một lớp "vữa thạch cao tự nhiên" để vết bỏng bớt đau đớn, mau lành, ngăn chặn nhiễm trùng cũng như hạn chế để lại sẹo. Phần da này thường được lấy từ các vùng khác trên cơ thể như đùi hoặc sau tai.
Tuy nhiên, nếu không sử dụng được da ở những vùng này, bác sĩ buộc phải dùng da được hiến tặng.
Da cũng có thể được hiến tặng như các loại nội tạng khác sau khi một người qua đời và được bảo quản trong nhiều năm. Thông thường các khoa điều trị bỏng đều có da dự trữ vừa đủ để chữa trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, tình hình ở New Zealand đang vô cùng cấp bách. Cơ quan y tế nước này cho biết họ đang chăm sóc đặc biệt và trị bỏng cho 29 bệnh nhân bị bỏng ít nhất 30% ở 4 bệnh viện khác nhau, trong đó có 22 người rơi vào tình trạng nguy kịch vì vết thương nghiêm trọng.
Núi lửa phun trào trên đảo Trắng - New Zealand vào ngày 9-12. Ảnh: Lillani Hopkins
Những bệnh nhân người nước ngoài sẽ được đưa về nước bằng đường hàng không để người thân dễ bề chăm sóc. Truyền thông địa phương đưa tin chỉ có khoảng 5-10 người hiến tặng da ở New Zealand mỗi năm trong khi mỗi người trưởng thành có khoảng 2 mét vuông da nên các bác sĩ buộc phải nhập khẩu 120 mét vuông da từ Mỹ để giúp cứu nạn nhân vụ núi lửa phun trào.
Không những thế, việc ghép da phải được tiến hành nhiều lần trước khi cơ thể bắt đầu tự hồi phục. "Dù hiện tại chúng tôi đủ nguồn da nhưng vẫn phải khẩn trương tìm nguồn bổ sung để đáp ứng nhu cầu chữa trị" - trích lời bác sĩ Pete Watson của Đơn vị Trị bỏng Quốc gia New Zealand.
Cũng theo bác sĩ Watson, các trường hợp bị bỏng trong vụ núi lửa phun trào ở đảo Trắng khá phức tạp vì có cả xăng dầu và hóa chất nên quá trình điều trị sẽ mất thời gian dài.
Đài ABC News đưa tin số người chết trong vụ núi lửa phun trào ngày 9-12 đã lên tới 8 người. Tất cả người này đều được sơ tán khỏi đảo Trắng sau khi sự cố xảy ra nhưng qua đời tại bệnh viện vì vết thương quá nặng.
Bình luận (0)