Hôm 14-1, Charlie Hebdo xuất bản ấn phẩm đầu tiên sau khi bị tấn công khủng bố vào ngày 7-1. Hình ảnh đăng trên trang bìa của báo này là biếm họa nhà tiên tri Mohammed đang rỏ nước mắt. Nhiều cộng đồng Hồi giáo trên thế giới lên án kịch liệt bìa báo và đã có nhiều người chết do đụng độ trong các cuộc biểu tình. Người dân Pakistan còn đốt hình nộm của Tổng thống Pháp Francois Hollande và cờ Pháp.
Nguồn: RT/YouTube
Cùng ngày 19-1, hơn 2.000 người Iran biểu tình bên ngoài đại sứ quán Pháp ở Tehran, hô tô các khẩu hiệu: "Cái chết cho nước Pháp" và đòi trục xuất đại sứ Pháp. Nguyên nhân cũng là vì phản đối tranh biếm của báo Charlie Hebdo.
Còn tại Niger, 45 nhà thờ Thiên chúa giáo đã bị phóng hỏa trong mấy ngày qua. Tính đến ngày 19-1, biểu tình chống Charlie Hebdo biến thành bạo động đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương ở thủ đô Niamey và thành phố lớn thứ hai Zinder.
Tại Cộng hòa tự trị Chechnya thuộc Nga, những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong trang phục truyền thống xuống đường ở thủ phủ Grozny hôm 19-1. Họ hét lớn: “Thánh Allah vĩ đại” và mang theo khẩu hiệu "Hãy để nhà tiên tri Mohammed yên".
Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov viết trên mạng xã hội trước khi cuộc biểu tình nổ ra: “Chúng tôi cực lực phản đối sự thô bỉ, vô đạo đức, thiếu văn hóa và trơ trẽn của những người vẽ tranh biếm về nhà tiên tri Mohammed và sẽ không tha thứ cho những hành động tương tự”.
Ông Kadyrov bị cấm nhập cảnh vào Mỹ vì cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời bị Liên minh châu Âu trừng phạt liên quan đến tình hình Ukraine. Là người trung thành với Tổng thống Nga Vladmir Putin, ông Kadyrov đang chống lại các nhóm vũ trang muốn thành lập một nhà nước Hồi giáo ở vùng Bắc Caucasus.
Theo Bộ Nội vụ Nga, ước tính có 1 triệu người dân Chechnya tham gia cuộc biểu tình trong khi Reuters cho rằng con số này vào khoảng "hàng trăm ngàn người", BBC cụ thể hơn với ước tính 350.000 người. Một số phương tiện truyền thông nhà nước Nga đặt câu hỏi về giá trị của tự do ngôn luận kể từ khi các vụ tấn công cực đoan ở Paris diễn ra. Moscow từng thông qua đạo luật cấm xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôn giáo.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát qua điện thoại của Viện nghiên cứu công chúng Pháp (Ifop) từ ngày 16 đến 17-1 cho thấy uy tín của Tổng thống Pháp Francois Hollande đang tăng vọt. Ông hiện được 40% người dân nước này ủng hộ, tăng gần gấp đôi so với trước khi xảy ra vụ thảm sát tuần báo Charlie Hebdo (21%).
Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng nhận được sự cổ vũ mạnh mẽ từ các đối thủ chính trị trong quốc hội và mức tín nhiệm của ông tăng từ 17% lên 61%, cũng theo khảo sát.
Bình luận (0)