Ông Yuri Borisov, lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), nói rằng sự tham gia của Moscow trong dự án vũ trụ quốc tế đã được gia hạn. "Theo quyết định của chính phủ, hoạt động của dự án ISS đã được kéo dài đến năm 2028" - ông Borisov nói nhân Ngày Du hành Vũ trụ (ngày 12-4) tại Nga.
Điều đó có nghĩa là nước này quyết định kéo dài sứ mệnh tại ISS đến năm 2028. Thế nhưng, tháng 7 năm ngoái, Moscow cho biết họ sẽ rời ISS "sau năm 2024", khi mối quan hệ giữa Điện Kremlin và phương Tây rạn nứt do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Ngoài ra, ông Borisov cho biết "đã đến lúc" để thảo luận về việc thành lập một trạm quỹ đạo của Nga. Hồi tháng 7-2022, người đứng đầu cơ quan Vũ trụ Roscosmos từng đề cập đến chuyện này.
Một bức ảnh công bố năm 2022 cho thấy nhà du hành vũ trụ Nga Sergey Prokopyev thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian bên ngoài Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Ảnh: Reuters
Phát biểu với hãng thông tấn TASS ngày 12-4, ông Borisov cho biết Nga đang nỗ lực xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình, tổ chức các sứ mệnh lên mặt trăng và tiến hành sản xuất hàng loạt tàu vũ trụ, trong đó có tàu vũ trụ mới tên "Orel" (Đại bàng).
Roscosmos từng chia sẻ bản phác thảo về trạm vũ trụ thay thế ISS, có tên gọi Trạm dịch vụ quỹ đạo (ROSS) của Nga với các chức năng được tự động hóa và phi hành gia có thể đến đây để bảo dưỡng và thay thế thiết bị. Ưu thế của ROSS là kiến trúc mô đun có thể biến đổi, có thời gian phục vụ dài hơn, hoạt động vì lợi ích quốc phòng và an ninh, sử dụng để lắp ráp một hệ thống thám hiểm liên hành tinh.
Các chuyên gia vũ trụ cho biết việc xây dựng một trạm quỹ đạo mới có thể mất hơn một thập kỷ.
Theo đài RT, ông Borisov từng dự đoán trạm ISS mà NASA có kế hoạch duy trì hoạt động cho tới năm 2030 sẽ "sụp đổ" vào thời điểm đó, trừ khi có một nguồn kinh phí lớn đầu tư vào việc sửa chữa, đồng thời nêu rõ công việc duy trì trạm ISS trên quỹ đạo không còn hiệu quả với Nga do môi trường địa chính trị hiện tại. Thêm nữa, các mô đun của Nga trên ISS đã hết tuổi thọ.
Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: destinationspace.uk
Tháng 11-1998, vào thời điểm tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Nga sau "cuộc chạy đua vào không gian" trong Chiến tranh Lạnh, Nga phóng thành phần đầu tiên của ISS là mô-đun Zarya (Bình minh) từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Hai năm sau, phi hành đoàn đầu tiên được đưa lên ISS.
Các nước đối tác của ISS bao gồm Mỹ, Nga, châu Âu, Canada và Nhật Bản hiện chỉ cam kết vận hành trạm không gian này cho đến năm 2024, mặc dù các quan chức Mỹ từng tuyên bố muốn tiếp tục cho đến năm 2030.
Lĩnh vực vũ trụ là một trong số ít lĩnh vực hợp tác còn lại sau những căng thẳng gay gắt giữa Mỹ và Nga, kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Bình luận (0)