Trong bài phát biểu tại TP St. Petersburg, ông Putin khẳng định "không có gì cho thấy sự chắc chắn" trong cuộc điều tra và "có nhiều phiên bản khác" về các sự kiện đã xảy ra. Ngoài ra, tổng thống Nga tuyên bố kết luận trên không đáng tin vì Nga không tham gia vào cuộc điều tra.
Trước đó, các nhà điều tra Hà Lan đã tiết lộ các phát hiện trong cuộc điều tra vào ngày 24-5. Cụ thể, họ nói tên lửa BUK bắn rơi chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines trên bầu trời Ukraine vào tháng 7-2014 được phóng từ một đơn vị quân sự ở TP Kursk - Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với các phóng viên ngày 25-5, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói: "Chỉ có một kết luận được đưa ra từ thông tin hôm qua, đó là Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc triển khai hệ thống tên lửa BUK đó". Ngoài Hà Lan, Úc cũng ủng hộ kết luận cho biết Nga "chính thức chịu trách nhiệm" về thảm kịch khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Một mảnh vỡ của máy bay MH17. Ảnh: Reuters
Cả Đức lẫn Liên minh châu Âu (EU) đều đồng thuận với thông tin trên. Phát ngôn viên chính phủ Đức Martina Fietz nói Đức kêu gọi những người bắn hạ MH17 phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hối thúc Nga hợp tác với các nhà điều tra cũng như "thừa nhận trách nhiệm" trong việc bắn hạ MH17. Ngoài ra, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Federica Mogherina cũng như Vương quốc Anh đều đồng thời ra tuyên bố ủng hộ phát hiện của cuộc điều tra. "Đây là một ví dụ nổi bật cho thấy sự xem thường những mạng sống vô tội của Điện Kremlin" - Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson lên án.
Mặc dù chính phủ Hà Lan nói họ có thể tiến hành một vụ kiện chống lại Nga trước tòa án quốc tế, quá trình này có thể rất rắc rối về mặt pháp lý. Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Stef Blok nói việc bắt Nga chịu trách nhiệm vụ MH17 phải tiến hành song song với cuộc điều tra của Nhóm Điều tra chung.
Các nhà điều tra tái lập khoảnh khách đầu đạn tên lửa phát nổ khiến MH17 bị rơi. Ảnh: Sky News
Bình luận (0)