Theo nguồn tin, điều kiện để ông Assad ra đi là phải đảm bảo chính phủ Syria không sụp đổ. Quá trình thay đổi lãnh đạo này có thế mất vài năm. Trong lúc chờ đợi, Nga vẫn tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Assad bất chấp những nỗ lực quốc tế muốn ông từ chức.
Cựu Đại sứ Anh tại Syria Tony Brenton nhận định với Reuters: “Nga sẽ không để Assad ra đi cho đến khi 2 điều này xảy ra. Thứ nhất, cho đến khi Moscow tự tin ông ta không bị thay thế bởi quyền lực Hồi giáo. Thứ hai, cho đến khi Moscow đảm bảo vị trí, liên minh và căn cứ tại Syria bền vững trong tương lai”.
Điện Kremlin can thiệp quân sự vào Syria từ ngày 30-9-2015. Họ lo ngại nếu vắng mặt Tổng thống Assad, tình trạng hỗn loạn có thể trầm trọng thêm bởi chế độ của ông vẫn quá mong manh để có thể đón nhận những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Trong khi đó, Moscow dù hỗ trợ nhà lãnh đạo Syria nhưng cũng cho thấy một số giới hạn. Các nhà ngoại giao Nga cho biết Điện Kremlin thực chất đang ủng hộ nhà nước Syria chứ không phải cá nhân Tổng thống Assad.
Trước đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói sẽ để ngỏ khả năng đưa thành viên phe đối lập vào cơ cấu chính phủ Syria. Sau tuyên bố này, phương Tây hy vọng Nga có thể gây áp lực để Tổng thống Assad sớm “về vườn”.
Tuy nhiên, nguồn tin thân cận với Điện Kremlin nói không có dấu hiệu Nga sẽ từ bỏ ông Assad ngay bây giờ. Elena Suponina, chuyên gia phân tích Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (tư vấn cho Điện Kremlin), khẳng định quan điểm của Moscow đối với ông Assad chưa có gì thay đổi.
Trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bất ngờ đến thăm Syria. Đây được xem là một thông điệp ngầm của Moscow tới Washington, hàm ý Mỹ không nên cố gắng gây áp lực lên Nga để buộc ông Assad từ chức.
Nga gia hạn trừng phạt EU
Hôm 29-6, một trang web của chính phủ Nga công bố tài liệu cho thấy Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu các loại thực phẩm phương Tây cho đến cuối năm 2017. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đề xuất kéo dài lệnh cấm vào tháng trước sau khi nhóm G7 đồng ý gia hạn lệnh trừng phạt Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk được tuân thủ triệt để.
Moscow đưa ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước trừng phạt Moscow liên quan tới vụ sáp nhập bán đảo Crimea và tham gia cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Lệnh cấm ban đầu được áp dụng cho thịt, gia cầm, cá, pho mát, sữa, trái cây và rau quả từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada, Úc và Na Uy. Năm 2015, Albania, Montenegro, Iceland và Liechtenstein bị thêm vào danh sách. Đầu tháng 6 vừa rồi, Nga dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn trẻ em.
Bình luận (0)