xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nga đi một bước, nhắm nhiều mục tiêu

Hoàng Phương

Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải hiểu rằng sự hỗ trợ của Nga không phải là vô hạn và ông này phải tìm được tiếng nói chung với phe nổi dậy

Các máy bay quân sự Nga bắt đầu rời khỏi căn cứ không quân Khmeimim tại TP Latakia hôm 15-3, sau hơn 5 tháng tham gia chiến dịch không kích ở Syria. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ công bố quyết định rút những lực lượng chính khỏi Syria do đã “hoàn thành sứ mệnh quân sự”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolay Pankov khẳng định nước này vẫn sẽ tiếp tục không kích ở Syria bất chấp động thái rút quân. “Một số kết quả tích cực đã đạt được… Dù vậy, vẫn còn quá sớm để nói về một chiến thắng trước chủ nghĩa khủng bố (ở Syria)” - ông Pankov cho biết.

Chiến lược khôn ngoan?

Chiến dịch không kích được Nga phát động hôm 30-9-2015 đã giúp cục diện chiến trường chuyển sang hướng có lợi cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Vì thế, quyết định trên dù khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên nhưng không phải hoàn toàn ngoài dự đoán. Theo báo The New York Times, Nga xem như đã đạt được một số mục tiêu, dù không được công khai, ở Syria. Trước hết, nguy cơ ông Assad bị lật đổ không còn gay gắt, từ đó bảo đảm quân đội Nga tiếp tục duy trì hiện diện ở Syria nói riêng và Địa Trung Hải nói chung.

Không những thế, Moscow giờ đây còn có chỗ trong bàn đàm phán về tương lai của Syria, giúp những lợi ích của họ không bị bỏ qua trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình cuối cùng nào. Nhờ thế, vị thế của Nga như một cường quốc trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố.

Thời điểm đưa ra quyết định trên cũng đáng chú ý: đúng vào ngày vòng hòa đàm Syria mới nhất được nối lại ở TP Geneva - Thụy Sĩ và một ngày trước kỷ niệm 5 năm bùng nổ cuộc chiến tồi tệ nhất thế kỷ XXI này (15-3-2011). Theo giới phân tích, bước đi mới nhất của ông Putin sẽ tăng sức ép lên chính quyền ông Assad, buộc họ phải linh hoạt hơn tại bàn đàm phán.

Trang tin Russia Direct cho rằng Điện Kremlin muốn gửi thông điệp đến ông Assad rằng sự hỗ trợ của Nga không phải là vô hạn và nhà lãnh đạo này cần phải tìm được tiếng nói chung với phe nổi dậy hoặc chiến đấu đơn độc. Không những thế, Moscow còn muốn chứng tỏ họ không nói suông về những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria.

Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược khôn ngoan nhất của ông Putin lúc này là rút bớt quân để buộc ông Assad nghiêm túc xem xét giải pháp ngoại giao. Dù vậy, Moscow vẫn để lại một phần lực lượng ở Syria để các thế lực chống ông Assad từ bên ngoài (Mỹ, Ả Rập Saudi…) không dám leo thang nỗ lực lật đổ.

 

Máy bay quân sự Nga trên đường về nước sau khi rời căn cứ không quân Khmeimim ở Syria hôm 15-3 Ảnh: Reuters
Máy bay quân sự Nga trên đường về nước sau khi rời căn cứ không quân Khmeimim ở Syria hôm 15-3 Ảnh: Reuters

 

Bức tranh không chỉ màu hồng

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều màu hồng với Nga ở Syria. Ông Andrew Peek, giáo sư Trường Cao đẳng Claremont McKenna (Mỹ), chỉ ra rắc rối tiềm tàng trong quan hệ giữa Nga và đồng minh người Kurd tại Syria. Moscow ủng hộ lực lượng này vì “người anh em” của họ (tức Đảng Công nhân người Kurd) đang gây rắc rối lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang hục hặc với Nga. Tuy nhiên, chính quyền ông Assad đã nói rõ họ có ý chiếm lại toàn bộ lãnh thổ đã mất - một bước đi có thể khiến 2 đồng minh của Nga đối đầu nhau. Vì thế, việc rút lui lúc này giúp Nga tránh được khó xử.

Chưa hết, trang Vox nhận định bất chấp tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh” ở Syria, có thể nhận thấy ông Putin vẫn chưa đạt được 2 mục tiêu công khai lâu nay: giúp chế độ Tổng thống Assad giành chiến thắng rõ rệt về mặt quân sự và dẫn đầu một liên minh toàn cầu nhằm chống lại các nhóm khủng bố, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ở Syria. Một liên minh toàn cầu như thế, được ông Putin kêu gọi trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm ngoái, không chỉ bảo đảm duy trì lợi ích của Nga ở Syria mà còn chấm dứt sự cô lập của phương Tây.

Ý định là vậy nhưng thực tế ông Assad vẫn chưa thể chiến thắng, Moscow tiếp tục bị phương Tây cô lập còn IS kiểm soát một phần lãnh thổ không nhỏ. “Nếu mục tiêu của ông ấy (Putin) đã hoàn thành gần hết, vậy rõ ràng ông ta không thực sự nỗ lực đánh bại IS” - ông Evelyn Farkas, cựu quan chức hàng đầu về Nga tại Lầu Năm Góc, nhận định với trang Politico.

Một thách thức khác không thể nói đến là gánh nặng tài chính. Giữa lúc kinh tế gặp khó khăn vì giá dầu xuống thấp và các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng Ukraine, sẽ không có gì khó hiểu khi Moscow không muốn sa lầy trong cuộc chiến đắt đỏ này (ước tính tốn của Moscow khoảng 4 triệu USD/ngày). Chưa hết, một chiến dịch quân sự kéo dài quá lâu có nguy cơ chọc giận cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni khắp thế giới. Trang Vox cho rằng Nga có thể đã nhận ra cái giá của “cuộc phiêu lưu” ở Syria đang lớn hơn những lợi ích nhận được nên rút quân đúng lúc là điều cần thiết.

Dù vậy, nói như trang Russia Direct, sẽ không có chuyện Nga bỏ rơi hoặc phản bội đồng minh Syria. Một số cố vấn quân sự của Nga sẽ ở lại Syria để huấn luyện các đơn vị quân sự địa phương cũng như sửa chữa và bảo trì thiết bị quân sự. Ngoài ra, Moscow sẽ cung cấp vũ khí và đạn dược để giúp Damascus duy trì năng lực quân sự.

 

Tín hiệu tốt cho tiến trình chính trị

Bà Phyllis Bennis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính sách (Mỹ), nhận định việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định rút quân và tái cam kết ủng hộ một giải pháp chính trị có thể thúc đẩy các cuộc hòa đàm Syria đang diễn ra tại Geneva - Thụy Sĩ. Đang có mặt ở thành phố này, ông Salem al-Muslet, người phát ngôn phe đối lập Syria, cũng cho rằng quyết định rút quân của Nga là tín hiệu tốt cho tiến trình chính trị. Tuy nhiên, ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, lại cho rằng quyết định rút quân của ông Putin khó có thể chấm dứt xung đột Syria.

Vòng đàm phán mới nhất này được nối lại hôm 14-3 với cuộc gặp “tích cực, mang tính xây dựng” giữa đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, và phái đoàn chính phủ Syria. Theo tờ The Wall Street Journal, cuộc gặp mới tập trung vào những vấn đề liên quan đến thủ tục và đặt nền tảng cho những cuộc thảo luận thực chất hơn sau đó. Trong 10 ngày của vòng đàm phán hiện nay, ông Mistura sẽ luân phiên gặp phái đoàn chính phủ và phe đối lập. Ông hy vọng sẽ tiến đến một “lộ trình rõ ràng” về việc lập chính phủ mới ở Syria, bất chấp giữa 2 phái đoàn còn khoảng cách xa về lập trường.

Mục tiêu này ngày càng cấp thiết khi cuộc nội chiến Syria sau đúng 5 năm đã cướp đi gần 250.000 sinh mạng (số liệu của Liên Hiệp Quốc) và khiến hàng triệu người rời bỏ nhà cửa. Đáng lo hơn, một số báo cáo cho biết đã xảy ra ít nhất 161 vụ tấn công hóa học ở Syria, khiến 1.491 người chết và 14.581 bị thương. Trong khi đó, theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách về Syria (SCPR), số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến lên đến 470.000 người trong lúc thiệt hại kinh tế tương đương 468% GDP Syria năm 2010.

Huệ Bình

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo