Chính phủ Nga tuyên bố những bước đi trên là phản ứng của nước này đối với lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Nga liên quan đến tình hình Ukraine. Theo đó, hiệp ước nghiên cứu giữa tập đoàn hạt nhân Rosatom (Nga) và Bộ Năng lượng Mỹ về làm giàu urani sẽ chấm dứt kể từ bây giờ.
Reuters cho hay thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình được Nga – Mỹ ký hồi tháng 9-2013. Thỏa thuận này đánh dấu sự mở rộng các phòng thí nghiệm, viện công nghệ nghiên cứu hạt nhân, không phổ biến hạt nhân, quản lý các chất thải phóng xạ chung và sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích y tế và công nghiệp giữa 2 nước.
Tháng 4-2014, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo cho đối tác Rosatom về việc tạm ngưng chương trình nghiên cứu do “Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine”. Kết quả là Mỹ hủy bỏ các cuộc họp song phương và một số sự kiện về năng lượng hạt nhân, theo trang web chính phủ Nga.
Trong khi đó, hiệp ước urani được Washington và Moscow ký năm 2010, tập trung vào các nghiên cứu để chuyển đổi 6 lò phản ứng hạt nhân của Nga từ urani làm giàu cấp độ cao (mức nguy hiểm) sang urani làm giàu cấp độ thấp (mức an toàn).
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng họ “không còn tin tưởng vào Mỹ” nên sẽ chuyển đổi các lò phản ứng hạt nhân một mình: “Trong một số trường hợp, kể cả trong việc sản xuất các đồng vị y tế, urani làm giàu cao độ là hiệu quả nhất. Từ bỏ nó sẽ không thích hợp về cả mặt kỹ thuật lẫn kinh tế”.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết Washington chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Nga, mặc dù tin tức đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông.
“Nếu điều đó chính xác, chúng tôi rất tiếc về quyết định đơn phương của Nga. Đây là một vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích của 2 nước” – ông Toner chia sẻ tại một cuộc họp báo hằng ngày.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cũng khẳng định Washington sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Moscow. Tuy nhiên, phía Bộ Ngoại giao Nga vẫn giữ vững lập trường và cho biết thêm họ chuẩn bị hoàn tất các nghĩa vụ của mình trong bản hợp đồng, có nghĩa sẽ không còn ràng buộc gì với Mỹ trong tương lai.
Trước đó, hôm 3-10, Tổng thống Putin đình chỉ hiệp ước loại bỏ plutoni cấp độ vũ khí với Washington, dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng dùng hạt nhân như một điều kiện trao đổi về Ukraine và Syria.
Song song đó, ông cũng trình một dự thảo nghị quyết lên quốc hội, liệt kê các điều kiện dành cho Washington để nối lại thỏa thuận giải trừ plutoni. Trong đó, Mỹ phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga liên quan đến tình hình Ukraine, bồi thường cho Moscow, giảm sự hiện diện quân sự tại các nước thành viên NATO ở Đông Âu về mức cách đây 16 năm.
Chuyên gia LHQ: Đoàn xe viện trợ bị không kích
Một chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) tuyên bố hình ảnh vệ tinh được phân tích cho thấy cuộc tấn công chết người nhằm vào đoàn xe viện trợ ở miền Bắc Syria hồi tháng trước là một cuộc không kích. Ít nhất 18 người đã thiệt mạng sau khi các xe tải bốc dỡ hàng tại một nhà kho của tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Syria - Ả Rập ở ngoại ô TP Aleppo bốc hỏa. Mỹ tin rằng máy bay chiến đấu Nga đã ném bom đoàn xe nhưng Moscow không thừa nhận. Cố vấn nghiên cứu Chương trình Ứng dụng Hoạt động Vệ tinh của LHQ (UNOSAT) Lars Bromley, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva – Thụy Sĩ hôm 5-10: “Đối với các cuộc không kích, bạn sẽ thấy xuất hiện nhiều cái hố. Về cơ bản, đạn bắn xuống cũng lớn hơn nhiều so với đạn bắn từ mặt đất”. Nhưng một quan chức UNOSAT khác, Einar Bjorgo, sau đó cho biết LHQ “không chắc chắn 100% đó là một cuộc không kích”. Các quan chức LHQ cho đến nay vẫn chỉ gọi đây là một “vụ tấn công” và không đổ trách nhiệm cho bên nào.
Bình luận (0)