Những năm cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, Nga – Mỹ ký một loạt hiệp ước giảm kích cỡ của kho vũ khí hạt nhân. Các thỏa thuận này vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay bất chấp quan hệ giữa 2 nước đang căng thẳng.
Tuy nhiên, hôm 3-10, Tổng thống Putin ban hành nghị định đình chỉ một hiệp ước ký với Washington vào năm 2000, trong đó ràng buộc Nga và Mỹ phải xử lý toàn bộ số lượng plutonium dư thừa dùng cho phát triển vũ khí hạt nhân. Hồi năm 2010, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ lúc đó là Hillary Clinton ký thỏa thuận yêu cầu mỗi bên xử lý 34 tấn plutonium bằng cách đốt trong các lò phản ứng hạt nhân.
Song song đó, Tổng thống Putin cũng trình một dự thảo nghị quyết lên Quốc hội, liệt kê các điều kiện dành cho Washington để nối lại thỏa thuận giải trừ plutonium. Trong đó, Mỹ phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga liên quan đến tình hình Ukraine, bồi thường cho Moscow, giảm sự hiện diện quân sự tại các nước thành viên NATO ở Đông Âu về mức cách đây 16 năm.
Điện Kremlin cho biết đây là phản ứng của Moscow trước “những hành vi không thân thiện của Washington”. Thông báo được đưa ra trước khi Mỹ ra quyết định tạm ngưng các cuộc đàm phán với Nga nhằm giải quyết xung đột ở Syria.
Hiệp ước plutonium không phải nền tảng đối với quá trình giải trừ quân bị thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ nhưng nó mang tính biểu tượng mạnh mẽ. Công ty tư vấn Stratfor, trụ sở tại Mỹ, cho rằng nghị định của Tổng thống Putin báo hiệu thỏa thuận hợp tác giải trừ hạt nhân giữa 2 nước có nguy cơ bị phá hoại.
“Dường như Nga muốn truyền tải một thông điệp rằng đó là cái giá phải trả cho việc Mỹ cắt đứt đối thoại về tình hình Syria cũng như một số vấn đề khác” – Stratfor cho biết.
Hôm 3-10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố quan hệ song phương giữa Nga – Mỹ về Syria đã bị tạm ngưng. Ông Kirby nói Moscow không thực hiện cam kết liên quan tới lệnh ngừng bắn ở Syria.
Theo quan sát của các nhà ngoại giao phương Tây, chấm dứt đàm phán ở Syria sẽ giúp Nga tự do theo đuổi hoạt động quân sự ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad nhưng cũng làm cho nước này khó rút khỏi cuộc xung đột chưa rõ hồi kết ở quốc gia Trung Đông này.
Dù vậy, Điện Kremlin khẳng định dù đình chỉ hiệp ước plutonium nhưng họ sẽ không sử dụng plutonium thặng dư cấp độ vũ khí cho mục đích quân sự.
Bình luận (0)