Trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc (TQ) trước chuyến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong 2 ngày 20 và 21-5, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga quan tâm đến sự tham gia của các nhà đầu tư TQ vào việc phát triển khu vực Viễn Đông, có diện tích bằng 2/3 nước Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn doanh nghiệp TQ tận dụng các cơ hội và sẽ là những người đi đầu ở Viễn Đông, sự phát triển nhanh khu vực này có lợi cho cả Nga lẫn TQ”.
Nỗi lo “Hán hóa”
Tổng thống Putin phát biểu như trên trong bối cảnh dư luận trong những năm gần đây ngày càng nói nhiều về “hiểm họa da vàng”, khi bàn đến làn sóng di dân mạnh mẽ vào Nga xuất phát từ nước láng giềng TQ. Theo website IslamNews, thậm chí người ta còn lo ngại rằng chỉ sau 20 năm nữa, cả khu vực Viễn Đông và Siberia sẽ toàn nói tiếng Hoa.
Một ngôi chợ của người Trung Quốc ở TP Vladivostok bán toàn hàng Trung Quốc
Ảnh: ABC 4 TRIP
Thực ra, tình trạng người TQ di dân vào khu vực Viễn Đông này có một lịch sử lâu đời, khởi đầu từ thế kỷ XIX dưới thời Sa hoàng cai trị nước Nga. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của miền Viễn Đông đã buộc triều đình Sa hoàng khuyến khích những người sinh sống ở phía Nam nước Nga di dân vào đây.
Thái độ chống người TQ cũng có một lịch sử lâu đời ở Nga. Không lâu sau khi phần lãnh thổ cực Đông của nước Nga có người đến cư ngụ vào những năm 1800, người Nga đã bắt đầu nói về “mối đe dọa da vàng” do thực trạng người TQ nhập cư vào khu vực này. Năm 1900, để trả đũa vụ băng cướp người TQ tấn công một tiền đồn của người Nga, dân Nga ở Blagoveshchensk đã đẩy tất cả 3.000 người TQ đang sinh sống ở thành phố này xuống sông Amur và tất cả đều chết đuối.
Sau này, chính quyền Liên Xô đã ngăn chặn tình trạng người TQ nhập cư vào Viễn Đông một cách có hiệu quả. Khi biên giới Nga - Trung mở cửa lại vào năm 1988, nỗi lo sợ về “hiểm họa da vàng” lại trỗi dậy, dựa trên cơ sở thực tế đơn giản về nhân khẩu: Dân số miền Viễn Đông Nga chỉ khoảng 6 triệu người trong khi dân số 3 tỉnh TQ kế cận hơn 110 triệu người.
Thế rồi, nước Nga thời hậu Xô Viết đã khích lệ người TQ trở lại miền Viễn Đông, một phần là để bù đắp sự sụt giảm dân số ở đây (giảm gần 16,5% vào năm 1991). Một doanh nhân TQ họ Lý kể: “Khi Liên Xô sụp đổ, cư dân khu vực Viễn Đông Nga không biết làm gì nên họ kêu gọi chúng tôi thuê đất với giá rất thấp. Họ còn sẵn sàng trả tiền cho chúng tôi phát quang rừng”.
Theo website CREES-FMSO, trong một chuyến đi công cán ở Blagoveshchensk thuộc khu vực Amur, bản thân Tổng thống Putin đã lưu ý người Nga về sự chiếm đóng nguy hiểm của người TQ ở Viễn Đông. Người Nga ở Viễn Đông cũng chia sẻ quan điểm tương tự.
Bà Galina Vitkovskaya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie ở Moscow, khẳng định: “Rõ ràng là dân cư địa phương sẽ phản đối bất kỳ bước đi nào dẫn đến tình trạng người TQ bén rễ trên lãnh thổ Nga. 74% người Nga tin rằng “hiểm họa da vàng” là có thật đối với Nga và chỉ 20% phủ nhận khả năng này”.
Sắc tộc lớn thứ tư
Hiện vẫn chưa có số liệu chính xác về số người TQ sinh sống thường trực ở Nga, thậm chí sự chênh lệch giữa các báo cáo rất lớn, từ 200.000 đến 5 triệu người. Một số bản báo cáo nhận định người TQ là nhóm sắc tộc lớn thứ tư sau người Nga, Tatar, Ukraine và chiếm lượng lớn nhất trong số những người định cư ở Đông Siberia và Viễn Đông Nga.
Làn sóng người di dân Trung Quốc đang đổ vào miền Viễn Đông Nga
Ảnh: ISLAM NEWS
Sự thật là người TQ vẫn chiếm số đông trong thị trường lao động ở Đông Siberia và Viễn Đông Nga. Doanh nhân họ Lý cho rằng vấn đề là ở chỗ dân cư người địa phương sụt giảm mà lại không muốn làm công việc nông nghiệp. Ông nhận định: “Tôi nhận thấy nếu lực lượng lao động TQ rời bỏ miền Viễn Đông Nga, khu vực này sẽ chết. Lấy thí dụ trang trại của chúng tôi, người Nga không thích chăn súc vật, vì không thể tìm được người làm nên chúng tôi phải thuê người TQ”.
Theo ABC News, ông Alexander Shaikin, người chịu trách nhiệm kiểm soát biên giới Nga - Trung, cho biết trong vòng 18 tháng gần đây, 1,5 triệu người từ TQ đã nhập cư bất hợp pháp vào Viễn Đông Nga.
Viễn Đông Nga là miền đất hấp dẫn, nơi chứa đựng gần như toàn bộ kim cương của Nga, 70% số lượng vàng và các khoáng sản có giá trị của nước này như dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, than đá, gỗ, bạc, platin, thiếc, chì, kẽm cũng như những ngư trường phong phú và những vùng đất rộng mênh mông không có người ở. Chính sự dồi dào tài nguyên đã càng khơi dậy nơi người Nga nỗi e ngại vốn đã tồn tại lâu năm về nguy cơ người TQ xâm chiếm khu vực này.
Ông Mikhael Kukharenko, Giám đốc Viện Khổng Tử ở Blagoveshchensk do chính phủ TQ điều hành, công nhận: “Đây là quy luật vật lý học; một môi trường chân không phải được lấp đầy. Nếu không có người Nga ở đó thì sẽ có người TQ”.
Mạnh tay đổ tiền vào Viễn Đông
Theo báo The Moscow Times, Ngân hàng Phát triển TQ đã xác nhận kế hoạch đầu tư 5 tỉ USD vào khu vực Viễn Đông Nga. Bộ Phát triển Viễn Đông Nga cho biết số tiền đầu tư này sẽ được sử dụng cho các lĩnh vực kinh tế trong khu vực và các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Ngoài ra, theo trang web BFM.ru, TQ cũng đầu tư 10 tỉ USD vào công trình xây dựng tuyến đường sắt cao tốc giữa Vladivostok và Khabarovsk. Dự kiến, dự án Nga - Trung này sẽ hoàn thành trước năm 2030 và tốc độ các chuyến xe lửa chạy trên tuyến đường sắt mới này phải đạt 250-350 km/giờ, cao hơn tuyến đường sắt cao tốc St. Petersburg - Helsinki.
Thêm vào đó, Công ty Dầu mỏ Rosneft và Công ty Dầu TQ CNPC đã ký thỏa thuận thành lập một xí nghiệp chung để thăm dò và khai thác ở Đông Siberia và Viễn Đông, phía Nga nắm giữ 51% cổ phần, còn TQ 49%.
Kỳ tới: Làm ăn bất hợp pháp
Bình luận (0)