Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến công du 2 ngày tới Trung Quốc vào hôm 20-5. Chuyến thăm hứa hẹn tạo nên những đột phá trong lĩnh vực kinh tế - thương mại với số lượng kỷ lục 30 hiệp định có thể được ký kết.
Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn một ngày trước khi lên đường tới Thượng Hải, ông chủ điện Kremlin khẳng định Nga coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và mối quan hệ giữa hai bên đang tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Tổng thống Putin cũng tin tưởng thỏa thuận cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh mà hai bên đàm phán 10 năm nay “đang đi tới giai đoạn hoàn tất”, cho phép Nga đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời đáp ứng “cơn khát” năng lượng dường như không có điểm dừng của quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo thỏa thuận có thời hạn 30 năm này, Nga cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ m3 khí đốt/năm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
trong cuộc gặp ở Nga vào tháng 2-2014. Ảnh: EPA
Quá trình đàm phán thỏa thuận này lâu nay bị tắc ở khâu giá cả. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang ở Ukraine không chỉ làm sứt mẻ nghiêm trọng quan hệ giữa Moscow với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mà còn thay đổi vị thế thương lượng giữa Nga - Trung.
Trong lúc Moscow muốn xúc tiến thỏa thuận càng nhanh càng tốt trước khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây khắc nghiệt hơn thì Bắc Kinh không có lý do gì vội vàng. “Đàm phán càng kéo dài, Trung Quốc càng có lợi thế trong giá cả” - ông Gordon Kwan, chuyên gia nghiên cứu dầu khí khu vực của Tập đoàn Nomura (Nhật Bản), nhận định.
Ông Ngô Tân Bạc, Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế Trường ĐH Phúc Đán (Thượng Hải - Trung Quốc), cho rằng sự thay đổi nguồn cung cấp khí đốt toàn cầu đặt Trung Quốc ngồi vào chiếu trên. Ngoài nguồn khí đốt trong nước đạt khoảng 110 tỉ m3/năm, Trung Quốc đang nhập khí đốt (kể cả khí đốt hóa lỏng) từ các nước Turkmenistan, Myanmar, Úc và Qatar.
Nhưng về lâu dài, Nga vẫn là đích nhắm để Trung Quốc duy trì nguồn cung cấp ổn định và bền vững. “Khả năng đạt được thỏa thuận đang cao hơn bao giờ hết nhưng nó chỉ xảy ra nếu Nga nhượng bộ” - nhà phân tích độc lập về địa chính trị năng lượng Michal Meidan (Anh) đánh giá. Nữ chuyên gia này còn nhìn nhận: “Việc chuyến thăm diễn ra thành công là điều quan trọng với Tổng thống Putin nhưng chưa chắc đã quá quan trọng với ông Tập Cận Bình”.
Ngoài ra, Tổng thống Putin sẽ cùng Chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ khai mạc cuộc tập trận chung quy mô lớn tại biển Hoa Đông, kéo dài từ ngày 20 đến 26-5. Động thái hiếm thấy giữa hai nhà lãnh đạo này được cho là dấu hiệu ủng hộ của Nga dành cho Bắc Kinh trong cuộc đối đầu với Nhật Bản.
Bên cạnh đó, chuyến công du của Tổng thống Nga cũng trùng với thời điểm diễn ra Hội thảo về các biện pháp xây dựng lòng tin và tương tác ở châu Á (CICA) từ ngày 20 đến 22-5 tại Thượng Hải. Ông Putin dự kiến gặp tổng thống Mông Cổ, thủ tướng Iraq và tổng thống Iran tại sự kiện diễn ra 4 năm một lần này.
Bình luận (0)