Theo kết quả sơ bộ hôm 13-11, ông Igor Dodon, ứng viên thuộc Đảng Xã hội chủ nghĩa, đã đánh bại đối thủ thân EU là bà Maia Sandu để đắc cử tổng thống Moldova. Theo AP, ông Dodon hưởng lợi thế từ sự giận dữ, mất lòng tin của người dân vào chính phủ thân EU tại đất nước 3,5 triệu dân này, đặc biệt từ sau các bê bối tham nhũng và vụ “bốc hơi” khoảng 1 tỉ USD trong các ngân hàng trước cuộc bầu cử quốc hội năm 2014.
Là quốc gia nghèo nhất châu Âu, Moldova ký thỏa thuận chính trị và thương mại với EU năm 2014 khiến Moscow nổi giận và hạn chế nhập khẩu nông sản của nước này. Đảng của ông Dodon muốn xóa bỏ thỏa thuận với EU để gia nhập Liên minh kinh tế Âu Á do Nga dẫn đầu. Bản thân ông Dodon cũng khẳng định sẽ xích lại gần Nga.
Góp phần giáng đòn mạnh mẽ lên EU là chiến thắng của ông Rumen Radev, ứng viên Đảng Xã hội chủ nghĩa đối lập ở Bulgaria, trước đối thủ Tsetska Tsacheva, ứng viên Đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu Bulgaria (GERB) cầm quyền. Ngay khi đắc cử, ông Radev tuyên bố Bulgaria vẫn là thành viên của NATO nhưng khẳng định điều này không có nghĩa là chống Nga. Bên cạnh đó, ông Radev nhấn mạnh quốc gia 7,2 triệu dân này nên tập trung vào các mối quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị với Nga, đồng thời kêu gọi EU dỡ bỏ trừng phạt Moscow.
Việc Moldova và Bulgaria “xoay trục” cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga ở Đông Nam châu Âu. Điều này, cộng với khả năng làm lành giữa Moscow và Washington sau khi ông Donald Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ, càng khiến EU bất an. Tại cuộc họp khẩn cuối ngày 13-11 ở thủ đô Brussels - Bỉ, các ngoại trưởng EU cam kết duy trì vai trò của châu Âu trong các vấn đề toàn cầu.
Bà Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục ủng hộ hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đây là 2 chính sách bị ông Trump phản đối khi tranh cử. “Liên minh châu Âu có lập trường cứng rắn về việc Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp và tình hình ở Ukraine. Điều này sẽ không thay đổi bất kể khả năng thay đổi chính sách của bên nào” - bà Mogherini nói thêm, đồng thời khẳng định EU cần tăng cường quốc phòng, an ninh và hợp tác bất chấp những thay đổi trong chính quyền Mỹ.
Bình luận (0)