Đại tá Oleg Pyshny, người đứng đầu Viện Ngiên cứu Trung ương trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga, trong một cuộc họp báo hôm 21-7 cho biết số lượng tên lửa nằm trong các hệ thống như Yars và Yars-M của Nga đã gia tăng đáng kể nhằm chống lại mối đe dọa của hệ thống phòng không do Mỹ triển khai tại một số khu vực ở châu Âu.
Ông Pyshny tự tin hệ thống tên lửa Nga hội đủ các yếu tố để đối phó với bất kỳ sự nâng cấp hệ thống phòng không nào đến từ Mỹ. Theo quan chức này, Washington dự tính hiện đại hóa 48-49 tàu trang bị tên lửa đánh chặn vào năm 2020. Qua đó, số lượng tên lửa đánh chặn được trang bị trên các tàu kể trên của Mỹ có thể đạt tới con số 200. Đây là một phần kế hoạch phát triển lá chắn phòng không toàn cầu mà Lầu Năm Góc đang tiến hành.
Ông Pyshny bày tỏ lo ngại lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ đặt ra mối đe dọa đối với Hải quân và Lực lượng tên lửa chiến lược Nga (RVSN) tại một số vị trí đặc biệt ở châu Âu. Vì vậy, Moscow đang tăng cường “các biện pháp và phương tiện cần thiết” để chống lại mối đe dọa này, trong trường hợp xảy ra xung đột.
Thượng tướng Viktor Yesin, cố vấn cấp cao cho Bộ chỉ huy RVSN, tiết lộ hệ thống phòng không do Mỹ triển khai ở châu Âu bao gồm các căn cứ tên lửa đánh chặn tại Romania và Ba Lan cùng các tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis. Các tàu này tích hợp tên lửa đánh chặn Tiêu chuẩn 3. Mỹ cũng đặt 2 tàu tương tự ở Tây Ban Nha và tăng lên 4 tàu vào cuối năm nay.
Tướng Yesin cho biết thêm 24 bệ phóng tên lửa Tiêu chuẩn 3 sẽ được Mỹ triển khai ở Romania cuối năm 2015 và đến năm 2018, Washington có kế hoạch đặt thêm 24 bệ phóng tương tự ở Ba Lan. "Tất cả các hệ thống này sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên của Nga nếu Mỹ xâm lược Nga: - tướng Yesin nhấn mạnh.
Trong một diễn biến khác, ngày 21-7, chính phủ Kyrgyzstan cho biết Thủ tướng Temir Sariyev đã ký quyết định của chính phủ, đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hợp tác tạo điều kiện cung cấp hỗ trợ với Mỹ.
Văn kiện trên được ký năm 1993, cho phép đưa hàng hóa miễn thuế vào Kyrgyzstan để thực hiện các chương trình của Mỹ. Ngoài ra, thỏa thuận cũng quy định quy chế miễn trừ ngoại giao cho nhân viên các chương trình của Mỹ và miễn hoàn toàn việc nộp thuế cũng như các khoản thu khác tại Kyrgyzstan.
Nguyên nhân của hành động này xuất phát từ việc Kyrgyzstan không hài lòng trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng "Người bảo vệ Nhân quyền" cho nhà hoạt động nhân quyền nước này Azimzhan Askarov. Ông Askarov đã bị kết án tù chung thân do "tổ chức và tham gia các cuộc gây rối đông người ở miền Nam Kyrgyzstan tháng 6-2010". Các cuộc đụng độ khi đó đã làm 442 người thiệt mạng và gần 1.000 người bị thương chỉ trong vài ngày.
Hôm 20-7, phía Mỹ cảnh báo nếu Kyrgyzstan hủy thỏa thuận trên, hàng loạt chương trình viện trợ - từ an ninh đến nhân đạo - sẽ bị ảnh hưởng.
Vụ việc xảy ra gữa lúc Kyrgyzstan ngày càng tiến gần Nga hơn. Nước này vừa gia nhập Liên minh Kinh tế Âu Á do Moscow dẫn đầu. Nga hiện có một căn cứ không quân gần thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan cùng nhiều dự án kinh tế lớn khác.
Bình luận (0)