Chiếc UAV tên gọi Chirok (Teal) có thể cất và hạ cánh trên mọi địa hình như đất liền, tuyết, cát, nước hoặc cả đầm lầy, miễn là bề mặt đó bằng phẳng. Chirok do chi nhánh Integrated Instrument-making Corporation (IIC) của tập đoàn công nghệ Rostech (Nga) lên ý tưởng thiết kế và chế tạo.
Aleksey Smirnov, người đứng đầu bộ phận phát triển UAV tại Viện Kỹ thuật – Vô tuyến Nga cho biết chỉ có duy nhất trực thăng mới thay thế được chiếc UAV đặc biệt này vì chúng có nhiều điểm tương đồng.
UAV - thủy phi cơ Chirok của quân đội Nga. Ảnh: Rostec.ru
Nguyên mẫu chiếc Chirok được trưng bày tại triển lãm Innoprom đã trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt của các kỹ sư Nga trong một đường hầm gió để đánh giá hiệu suất. Vào năm 2015, những chiếc UAV hoàn chỉnh sẽ bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Với sải cánh dài 10 m và trọng lượng cất cánh tối đa 700 kg, Chirok có khả năng duy trì ở độ cao 6 km trong suốt hành trình 2.500 km mà chỉ cần duy nhất 1 lần tiếp nhiên liệu.
Chiếc “UAV – thủy phi cơ” này được chế tạo hoàn hoàn bằng vật liệu composite, trong khi vải để may tấm đệm không khí do Nga tự sáng tạo và Rostech cấp bằng sáng chế.
Một khi được đưa vào sử dụng, Chirok có thể giúp quân đội Nga thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, theo dõi cháy rừng và cung cấp nhu yếu phẩm cho các giàn khoan dầu ngoài đại dương xa xôi. Bên cạnh đó, Chirok còn có thể được trang bị vũ khí, như tên lửa dùng trong các hoạt động quân sự.
Khác biệt lớn nhất so với các thế hệ UAV hiện tại, đó là Chirok có đủ không gian để chứa vũ khí bên trong thân máy bay. Do đó, khi phóng tên lửa, bộ phận khí động học và hạ cánh sẽ không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Chirok còn có khả năng dễ dàng ẩn thân trước radar đối phương.
Dự kiến tại triển lãm hàng không MAKS 2015 tổ chức ở Moscow, phiên bản hoàn thiện của Chirok sẽ được công bố và đưa vào sản xuất đại trà vào năm 2016.
Bình luận (0)