Thông tin đáng chú ý trên được hãng thông tấn Tass của Nga tiết lộ hôm 7-12.
Tập trận chiến thuật đặc biệt của Lực lượng Bắc Cực của Nga tại vùng Murmansk
6 căn cứ nói trên được đặt trên cả khu vực bờ biển phía bắc nước này cũng như trên quần đảo Bắc Cực xa xôi. Tất cả hiện đều đã được trang bị đầy đủ với các cơ sở vật chất và tiện nghi cần thiết để phục vụ cho hoạt động triển khai binh lính dài hạn tới khu vực này.
"Theo các tài liệu của Bộ Tổng tham mưu, hoạt động triển khai và trang bị 6 căn cứ quân sự ở quần đảo Bắc Cực và vùng cực của Nga đã hoàn thành” - nguồn tin thân cận với quốc phòng Nga nói với Tass.
Cũng theo nguồn tin, các căn cứ nói trên đã hoàn thành, Moscow sẽ bắt đầu đưa hàng trăm quân nhân Nga tới các căn cứ này từ năm 2016 sắp tới.
Cụ thể, 6 căn cứ trên bao gồm: Nagurskoye, Rogachevo, Sredny Ostrov, Temp, Mys Shmidta và Zyvozdny. Theo Business Insider, sự hoàn thiện của những căn cứ này đánh dấu bước tiến quan trọng trong mục tiêu của Nga nhằm mở rộng các căn cứ quân sự mà nước này đã từng sở hữu và vận hành ở Bắc Cực trong thời Chiến tranh Lạnh.
Hãng Sputnik từng cho biết mỗi căn cứ quân sự được xây mới hay nâng cấp đều tiêu tốn của Nga tới cả trăm triệu USD. Chẳng hạn như căn cứ quân sự Nagurskoye ở phía tây bắc quần đảo Franz Josef Land của vùng Arkhangelsk tiêu tốn 125 triệu USD…
Tổng cộng các kế hoạch của Moscow nhằm mở 10 trạm tìm kiếm và cứu hộ ở Bắc Cực, 16 cảng nước sâu, 13 trường bay và 10 trạm radar phòng không trong ngoại vi Bắc Cực của mình.
Theo chuyên gia về Nga tại Đại học New York (Mỹ) Mark Galeotti , một khi các kế hoạch trên hoàn thành sẽ cho phép Nga sử dụng những loại máy bay ném bom lớn hơn và hiện đại hơn trong khu vực.
“Vào năm 2025, tuần tra vùng biển Bắc Cực sẽ là một phi đội máy bay ném bom PAK DA thế hệ mới” – ông Galeotti nhận định trên tờ Moscow Times.
Bắc Cực được cho là sẽ trở thành trận địa địa chính trị trong tương lai. Sự nóng lên của toàn cầu và băng tan tại đây dường như đang phơi bày ra những nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa có ai chạm tới. Mỹ ước tính ở đây đang nắm giữ khoảng 15% lượng dầu còn lại của thế giới và chiếm trữ lượng khí đốt tự nhiên tới 30% và khoảng 20% khí đốt hóa lỏng.
Bên cạnh đó, băng rút bớt cũng đẩy nhanh tuyến đường của tàu thuyền. Tới năm 2030, WSJ nhận định Tuyến giao thông Biển Bắc sẽ thông thương 9 tháng/năm. Điều này sẽ cắt ngắn thời gian di chuyển hành trình giữa châu Âu và Đông Á khoảng 60% so với tuyến đường hiện tại qua các kênh đào Panama hay Suez.
Nga, Đan Mạch, Na Uy, Canada và Mỹ đều có tuyên bố một phần tại Bắc Cực.
Bình luận (0)