xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nga khó xử tại Syria

HOÀNG PHƯƠNG - LỤC SAN

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về sự hiện diện của quân đội Nga ở các khu vực do người Kurd chiếm giữ ở Syria

Hơn 1 năm sau khi can thiệp quân sự vào Syria, Nga đang bị lôi kéo vào đủ loại quan hệ thù địch ở Trung Đông trong lúc cuộc nội chiến vẫn chưa biết khi nào kết thúc.

Xung đột quan điểm

Mới nhất, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào đầu tuần này nói Moscow có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng sau khi Damascus hôm 17-3 lần đầu tiên bắn tên lửa về phía máy bay chiến đấu Israel tiến hành không kích bên trong lãnh thổ mình.

Israel đã nhiều lần không kích các mục tiêu ở Syria nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển vũ khí cho phong trào Hồi giáo Hezbollah tại Lebanon. Phản ứng mạnh nói trên của Damascus đánh dấu vụ đối đầu nghiêm trọng nhất giữa 2 bên kể từ khi nội chiến Syria nổ ra 6 năm trước.

Ngoài mặt, Moscow có phản ứng mạnh với cuộc không kích của Israel, xảy ra gần lực lượng Nga tại TP cổ Palmyra. Bộ Ngoại giao Nga hôm 20-3 bất ngờ triệu đại sứ Israel tại Moscow. Dù vậy, tờ Haaretz chỉ ra Nga dường như “thấu hiểu” những quan ngại của Israel bởi chiến dịch không kích mới nhất diễn ra tại khu vực được bảo vệ bởi hệ thống phòng không Nga nhưng không có hành động ngăn chặn nào. Ngoài ra, Nga và Israel còn thiết lập đường dây nóng để tránh đụng độ trên không phận Syria.

Đáng chú ý, căng thẳng Israel - Syria leo thang không lâu sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến Nga để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin về tình hình Syria. Theo báo Haaretz, không có nhiều thông tin về cuộc gặp hôm 9-3 này được hé lộ. Tuy nhiên, ông Netanyahu từng tuyên bố trước và sau cuộc gặp rằng Israel sẽ không chấp nhận sự hiện diện quân sự của Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của Iran, tại Syria, nhất là khi vị trí của ông Assad không còn bị đe dọa như trước. Tờ The Washington Post đánh giá dù Nga không hài lòng với một số mục tiêu chiến lược của Iran tại Syria thời hậu chiến nhưng hiện chưa rõ ông Putin sẵn sàng đi xa đến đâu để ngăn Tehran mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực.

Nói đi cũng phải nói lại, không có gì bảo đảm Nga sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận ngầm với Israel về các cuộc không kích nói trên, nhất là khi tương lai chính trị của ông Assad ngày càng tươi sáng. Phản ứng mạnh hiếm thấy của Syria với máy bay Israel phần nào cho thấy Damascus đang được cổ vũ bởi những thắng lợi gần đây trên chiến trường, nhờ sự giúp đỡ của Nga và Iran. Nếu cuộc xung đột này leo thang trong những ngày tới, Israel và Nga khó có thể hợp tác yên ổn như trước trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Syria bởi xung đột cơ bản về quan điểm.

Ông Michael Koplow, chuyên gia của Diễn đàn Chính sách Israel (Mỹ), viết trên trang The Atlantic rằng lằn ranh đỏ của Israel là sự hiện diện lâu dài của Iran tại Syria. Trái lại, lằn ranh đỏ của Nga là loại bỏ sự hiện diện thường trực của Iran tại Syria. Trong khi đó, ông Daniel Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, cho rằng biên giới Israel - Syria có thể được ông Putin sử dụng để kiểm tra xem Nga có ảnh hưởng đến đâu ở Trung Đông sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.

Dân quân người Kurd ở Syria Ảnh: GEO-POLITICA
Dân quân người Kurd ở Syria Ảnh: GEO-POLITICA

“Cái gai” người Kurd

Ngoài quan hệ tay ba Syria - Israel - Iran, Nga còn phải đau đầu xử lý mối quan hệ có nguy cơ xấu trở lại với Thổ Nhĩ Kỳ, lần này liên quan đến vấn đề người Kurd tại Syria. Hôm 22-3, một binh sĩ Thổ canh gác tại biên giới đã tử vong dưới họng súng của tay bắn tỉa người Kurd ở Syria. Ngay lập tức, theo Reuters, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào Afrin, khu vực biên giới phía Tây Bắc Syria, nơi lực lượng dân quân người Kurd (gọi là Đơn vị Bảo vệ nhân dân - YPG) nắm quyền kiểm soát.

Vụ việc khiến quan hệ Nga - Thổ căng trở lại. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập đại sứ Nga ở Ankara với lý do Moscow chịu trách nhiệm giám sát lệnh ngừng bắn ở khu vực biên giới người Kurd ở Syria kiểm soát, theo kênh ABC News. Ankara xem lực lượng này là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Huseyin Muftuoglu cho biết nước này đã khuyến cáo Nga rằng Ankara sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công xuyên biên giới nào khác nhắm vào binh sĩ Thổ từ các khu vực do người Kurd ở Syria chiếm giữ. Ngoài ra, Ankara không hài lòng về sự hiện diện của quân đội Nga ở các khu vực kể trên, đồng thời yêu cầu đóng cửa văn phòng người Kurd ở Moscow. Gần đây, YPG tiết lộ quân đội Nga đang huấn luyện các tay súng người Kurd ở Efrin trong khi hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều xe quân sự Nga chạy trong khu vực này. Đó là chưa kể Nga đang vận động để người Kurd cùng tham gia đàm phán hòa bình ở Syria.

Tại cuộc gặp ông Putin ở Điện Kremlin hôm 10-3 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu Moscow ngừng hỗ trợ lực lượng người Kurd đứng về phía Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng nhà lãnh đạo Nga đã từ chối. Vì thế, một số nhà phân tích cho rằng xem ra Ankara chỉ còn cách hợp tác với Damascus nếu muốn chặn đà tiến của người Kurd tại Syria. Khả năng này không phải là quá xa vời bởi Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã bớt chỉ trích ông Assad. Một số bộ trưởng thậm chí cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng bỏ yêu cầu đòi ông Assad từ chức tức thì hoặc nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại với Damascus. n

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo