Hôm 20-4, Bộ trưởng Lavrov nói Nga sẽ không trở thành nơi để Mỹ và Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng định. Ngoài ra, ông cũng thuyết phục Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump tránh gây ra một cuộc xung đột vũ trang giữa 2 nước.
Theo Bộ trưởng Lavrov, Tổng thống Donald Trump đã mời người đồng cấp Nga tới Mỹ trong một cuộc điện đàm và sẽ chào đón ông Putin ở Nhà Trắng.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Donald Trump nói chuyện tại Hội nghị G20 ở Đức tháng 7-2017. Ảnh: Reuters
Về thông tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không yêu cầu binh lính Mỹ phải rời khỏi Hàn Quốc như một điều kiện để phi hạt nhân hóa - do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố ngày 19-4, Washington hôm 20-4 bày tỏ phản ứng dè dặt.
Các quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo trong chuyến thăm Triều Tiên cách đây 2 tuần đã gặp ông Kim nhưng ông Pompeo không đề nghị ông Kim thực hiện bước đi như vậy.
Động thái trên có thể làm gia tăng áp lực lên Washington giữa thời điểm nước này đang hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm đạt được hiệp ước hòa bình, qua đó chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Donald Trump là buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ông cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt Triều Tiên cho đến khi họ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Donald Trump phát biểu: "Chúng tôi rất tôn trọng những gì họ đang làm nhưng chúng ta phải làm việc với nhau để kết thúc chương trình vũ khí hạt nhân".
Các nhà phân tích và cựu quan chức Mỹ nhận định Nhà Trắng có thể phải cảnh giác với đề nghị của ông Kim vì nó có thể gây ra một cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Hàn Quốc. Cựu cố vấn các vấn đề châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama, Evan Medeiros, cho biết nếu Mỹ từ chối thì nước này sẽ "trở thành kẻ xấu" và đó là chiến dịch gây bất lợi mà Triều Tiên hay dùng.
Theo báo New York Times, năm 2016, Bình Nhưỡng đề nghị Washington rút lực lượng ở láng giềng miền Nam về nước nếu muốn phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, các quan chức Triều Tiên thỉnh thoảng nói rằng họ có thể cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc nếu Washington ký hiệp định hòa bình và bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.
Bình luận (0)