Tướng Herbert Carlisle, Tư lệnh Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương, vừa báo động về một loạt vụ đối đầu nguy hiểm giữa máy bay Mỹ với máy bay Trung Quốc và Nga ở Thái Bình Dương trong mấy tháng gần đây.
Đây được xem là kết quả của chiến lược phô trương sức mạnh ra ngoài biên giới mà Bắc Kinh và Moscow đang theo đuổi.
Đối đầu trên không
Trả lời phỏng vấn báo The Washington Post hôm 5-10, tướng Carlisle nhận định máy bay Trung Quốc đang tăng cường hiện diện trong không phận quốc tế. Ông cho biết gần đây, Mỹ và Trung Quốc thường xuyên đối mặt ở biển Đông và biển Hoa Đông, hiện tượng ít xảy ra trước đó.
Theo ông Carlisle, kể từ khi đưa chiếc tàu sân bay đầu tiên vào sử dụng cách đây 2 năm, hải quân Trung Quốc tập trận ở các vùng biển xa cũng như tuần tra trong các vùng biển tranh chấp nhiều hơn.
Vị tướng này dẫn chứng vụ máy bay tiêm kích Thẩm Dương J-11 của Trung Quốc (biến thể của chiếc SU-27) đã nhào lộn ngay trước máy bay tuần tra săn ngầm Poseidon P-8 của Mỹ cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 200 km về phía Đông hồi tháng 8.
120 máy bay Nga đã tham gia cuộc tập trận Vostok-2014 vào tháng 9 vừa qua
Ảnh: RIA NOVOSTI
Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng đối mặt với sự gia tăng hoạt động của máy bay Nga ở Thái Bình Dương, trong một số trường hợp đến gần lãnh thổ nước này. Tướng Carlisle nhận định hành động trên nằm trong chiến lược đưa Nga trở lại vị trí cao trong trật tự thế giới của Tổng thống Vladimir Putin.
Ông kể các chiến đấu cơ Mỹ đã chặn 6 máy bay quân sự Nga - gồm 2 máy bay chiến đấu, 2 máy bay ném bom và 2 máy bay tiếp liệu - vào ngày 17-9 vừa qua khi chúng đến gần bờ biển Alaska. Ngoài ra, số vụ máy bay ném bom Nga xuất hiện gần đảo Guam của Mỹ cũng tăng lên.
Theo trang tin International Business Times, Nga cũng ngăn chặn các máy bay Mỹ ở gần lãnh thổ. Tháng 4 năm nay, một chiếc SU-27 bay cách chiếc RC-135U của Mỹ chỉ khoảng 30 m trong không phận quốc tế trên biển Okhotsk, một vụ việc vấp phải sự phàn nàn của Lầu Năm Góc.
Hai lựa chọn của Nga
Trong khi đó, trả lời nhật báo Gazeta Wyborcza ngày 6-10 trong chuyến thăm Ba Lan, tân Tổng Thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố NATO muốn có mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga ngay cả khi liên minh này tăng cường hiện diện tại các nước thành viên ở Đông Âu.
Ông nhấn mạnh NATO vẫn tôn trọng các cam kết quốc tế, bao gồm thỏa thuận hậu chiến tranh lạnh với Moscow về việc triển khai quân sự tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Trước đó, ngày 5-10, ông Stoltenberg quả quyết NATO có thể điều động lực lượng đến bất cứ nơi nào liên minh muốn.
Reuters nhận định ông Stoltenberg thăm Ba Lan để tái bảo đảm sự bảo vệ dành cho nước này trước nguy cơ bị Nga xâm lấn theo sau căng thẳng ở Ukraine.
Trong bối cảnh đó, theo hãng tin Newsru.ua, cựu Phó Thủ tướng Nga Alfred Kokh nhận định việc phương Tây siết chặt trừng phạt kinh tế Nga sẽ buộc các nhà lãnh đạo Moscow chọn lựa hoặc chấp nhận sự can thiệp cứng rắn của các nước phương Tây hoặc phụ thuộc Trung Quốc.
Dù vậy, ông cho rằng Nga sẽ chọn theo phương Tây bởi nếu chấp nhận dựa vào Bắc Kinh, Nga hầu như không thể ngăn chặn nguy cơ “mất” Siberia và Viễn Đông vào tay Trung Quốc.
Tin tặc Trung Quốc gây hại hàng tỉ USD
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey hôm 5-10 cáo buộc tin tặc Trung Quốc tấn công các công ty Mỹ nắm nhiều bằng sở hữu trí tuệ hầu như mỗi ngày. Trả lời kênh CBS, ông Comey ước tính kinh tế Mỹ bị thiệt hại hàng tỉ USD/năm do tin tặc Trung Quốc. “Chiến lược của họ là tấn công mọi lúc mọi nơi và tự phụ không ai ngăn được mình” - ông nói.
Đầu năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ cũng công bố bản cáo trạng 31 điểm chống lại tin tặc Trung Quốc, cáo buộc họ xâm nhập bất hợp pháp mạng máy tính của các công ty thép, năng lượng mặt trời và hạt nhân tại Mỹ nhằm chiếm ưu thế cạnh tranh.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)