Ông Sergey Lavrov tuyên bố ngày 2-9 rằng “không có gì cụ thể” trong các chứng cứ mà Washington tung ra. “Không có tọa độ địa lý, không tên, không bằng chứng cho thấy tất cả được kiểm nghiệm và chứng thực bởi các chuyên gia” - ông nhấn mạnh.
Ông Sergey Lavrov - Ngoại trưởng Nga. Ảnh: AP
Mỹ khăng khăng khẳng định quân đội của Tổng thống Assad đứng đằng sau vụ tấn công hóa học ngày 21-8 được cho là đã giết hơn 1.400 người và đang xem xét tấn công vào Syria. Phía Syria vẫn lên tiếng phủ nhận cáo buộc. Nga là đồng minh quan trọng của Syria, cung cấp vũ khí cũng như đứng ra bảo vệ nước này tại Liên Hiệp Quốc.
Trước việc Tổng thống Obama tuyên bố quân đội Mỹ sẵn sàng tấn công Syria nhưng phải chờ quốc hội phê chuẩn, phía Syria đã lên tiếng yêu cầu Liên Hiệp Quốc ngăn chặn hành động xâm lược của Mỹ vào quốc gia này.
Trong lá thư gửi đến ông Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và Maria Cristina Perceval, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông Bashar al-Jaafari, Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc, kêu gọi: “Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cần đảm nhận trách nhiệm ngăn chặn bất kỳ sự xâm lược nào nhằm vào Syria và đưa ra các giải pháp chính trị hòa bình cho khủng hoảng ở nước này”.
Syria đề nghị Liên Hiệp Quốc ngăn chặn hành động xâm lược của Mỹ. Ảnh: Reuters
Ông Bashar al-Jaafari cho rằng Hội đồng Bảo an cần duy trì vai trò của mình như một “van” an toàn, nhằm ngăn ngừa việc một số nước áp dụng bạo lực vô lý vượt khung pháp lý quốc tế. Đồng thời, ông cũng yêu cầu Liên Hiệp Quốc giữ đúng vai trò của mình như một tổ chức ủng hộ hòa bình.
Trong khi đó, phe đối lập lớn tiếng tố cáo Tổng thống Assad đã di chuyển thiết bị quân sự và binh lính đến các khu vực dân sự, đồng thời mang tù nhân tới các mục tiêu quân sự làm lá chắn sống nếu các cuộc không kích của phương Tây diễn ra. Theo đó, tên lửa và hàng ngàn binh sĩ đã di chuyển đến trường học, ký túc xá, nhà dân. Thay thế họ tại các vị trí quân sự là những tù binh.
Một động thái khác liên quan đến vụ việc, bà Elisabeth Guigou-Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Pháp cho biết chính phủ nước này không có kế hoạch để các nhà lập pháp bỏ phiếu tại Quốc hội để xem xét có tham gia quân sự vào Syria hay không.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ Mỹ trừng phạt chính quyền Assad vì đã tấn công hóa học vào người dân. Theo Hiến pháp của Pháp, với tư cách người đứng đầu quân đội, Francois Hollande có quyền điều động quân đội và chỉ cần báo với Quốc Hội trong vòng ba ngày kể từ khi việc can thiệp bắt đầu. Việc bỏ phiếu tại Quốc hội chỉ được tiến hành khi hành động quân sự trên kéo dài quá 4 tháng. Tuy nhiên, bà Elisabeth Guigou cho biết Pháp không hành động một mình.
Bình luận (0)