Theo báo cáo dài 9 trang nói trên, quân chính phủ trung thành với Tổng thống Assad đứng đằng sau cả 3 vụ tấn công, bao gồm vụ mới nhất diễn ra ngày 21-8 ở miền Đông Ghouta, ngoại ô Damascus, làm 280 người chết. Báo cáo do Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault gửi các nghị sĩ nước này.
Báo cáo cáo buộc các cuộc tấn công bắt đầu từ các khu vực do chính phủ kiểm soát ở phía Đông và Tây của Damascus, nhắm đến các khu vực của lực lượng nổi dậy. Tình báo Pháp cho biết “một lượng lớn chất hóa học đã được sử dụng” trong cuộc tấn công. “Không giống như các cuộc tấn công trước đó vốn chỉ sử dụng một lượng nhỏ hóa chất và nhắm vào con người, cuộc tấn công này nhằm lấy lại lãnh thổ” – một nguồn tin chính phủ nhận xét.
Tuy nhiên, con số 280 người thiệt mạng là khá ít ỏi so với hơn 1.400 người mà Mỹ đưa ra.
Các nhà hoạt động Syria kiểm tra xác hàng trăm người bị nghi là chết bởi khí độc trong khu vực Ghouta
thuộc Damascus ngày 21-8. Ảnh: REUTERS
Trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro của Pháp ngày 2-9, ông Assad cho rằng Pháp sẽ đối mặt với “những hậu quả” nếu tham gia tấn công Syria.
Tổng thống Assad cũng chế giễu những lời cáo buộc của phương Tây rằng chính phủ của ông đứng phía sau các vụ tấn công hóa học khắp Syria. Ông thách thức thế giới tìm cho được dù chỉ là “bằng chứng nhỏ nhất” về việc lực lượng ủng hộ ông sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân. Không chỉ thế, tổng thống Syria còn đặt nghi vấn trước những cáo buộc như vậy, đồng thời cảnh báo cuộc tấn công quân sự của phương Tây sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến tranh khu vực” tại Trung Đông.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron đang đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng đòi ông phải tiếp tục thuyết phục Hạ viện bỏ phiếu lại về vấn đề Syria. Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn bác bỏ khả năng trên.
Bình luận (0)