"Tôi không thể phủ nhận điều đó" - ông Hochstein nói trước Tiểu ban Thượng viện về Hợp tác An ninh châu Âu và Khu vực về câu hỏi liệu Nga có đang kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán dầu thô và khí đốt của mình so với vài tháng trước khi xảy ra khủng hoảng Ukraine hay không.
Động thái loại bỏ nhiên liệu hóa thạch từ Nga của phương Tây góp phần giúp làm tăng giá dầu và khí đốt toàn cầu. Giá dầu thô Brent hôm 9-6 gần chạm mức cao nhất trong 3 tháng qua trên 123 USD/thùng.
Nhà máy lọc dầu ở Omsk - Nga. Ảnh: Reuters
Ông Hochstein cho biết nhu cầu về dầu toàn cầu tăng từ người tiêu dùng ở khu vực phục hồi sau đại dịch là "lớn hơn nhiều, mạnh hơn bất kỳ ai dự đoán".
Theo hãng tin Reuters, đồng thời, Nga có thể bán nhiều hàng hơn cho những bên mua khác, bao gồm cả các nước tiêu thụ năng lượng lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, bằng cách giảm giá dầu.
Ông Hochstein cho biết mặc dù doanh số bán hàng của Nga cho Trung Quốc và Ấn Độ đã được chiết khấu so với nguồn cung từ các nước khác nhưng giá thị trường toàn cầu tăng có nghĩa là doanh thu của Nga hiện có thể cao hơn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết hồi tháng 5 rằng doanh thu từ dầu của Nga đã tăng 50% kể từ đầu năm lên 20 tỉ USD mỗi tháng, trong đó EU chiếm tỉ trọng lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu của Nga. Lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm, có thể cắt giảm doanh thu đó.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kpler (Bỉ), lượng dầu của Nga mà Ấn Độ mua tăng gấp đôi trong tháng 5 so với những tháng trước đó lên mức cao kỷ lục 840.000 thúng/ngày và sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6. Khi được hỏi về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia như Ấn Độ, ông Hochstein cho biết điều quan trọng nhất là làm giảm doanh thu của Nga trong khi giảm thiểu tác động của giá nhiên liệu tăng cao trong nước và đối với các đồng minh.
Bình luận (0)