Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera với các nhân vật đồng cấp của Nga Sergei Lavrov và Sergei Shoigu đã diễn ra ở Tokyo hôm 2-11. Đây là cuộc hội đàm ngoại giao - quốc phòng đầu tiên giữa 2 quốc gia vốn bất đồng về chủ quyền đối với quần đảo mà phía Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc, còn Nga gọi là Nam Kuril.
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida
và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera tại cuộc họp báo Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Ngoại trưởng Nhật Kishida khẳng định: “Chúng tôi có một khởi đầu tốt đẹp khi lật sang một chương mới trong quan hệ Nhật - Nga. Việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh sẽ giúp tăng cường toàn bộ mối quan hệ giữa Nhật và Nga”. Ngoại trưởng Nga Lavrov xác nhận 4 bộ trưởng đã đồng ý thường xuyên tổ chức các cuộc hội đàm dạng “2+2” và phía Nga đã mời các bộ trưởng Nhật đến Moscow vào năm tới.
Thêm vào đó, ông Kishida thừa nhận cả 2 quốc gia sẽ mở rộng sự hợp tác hơn nữa với các tổ chức trong khu vực như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Hội nghị Cấp cao Đông Á. Ông tuyên bố: “Sự hợp tác giữa Nhật và Nga, 2 nước đóng vai trò then chốt trong khu vực Thái Bình Dương, có một tầm quan trọng đối với việc củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực”. Tuy nhiên, ông Kishida nhấn mạnh liên minh an ninh Nhật - Mỹ vẫn còn là nền tảng chính sách ngoại giao của Tokyo.
Trong khi đó, theo hãng tin RIA Novosti, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu nhấn mạnh về mối quan ngại của Nga trước việc Mỹ triển khai các bộ phận của mạng lưới phòng thủ tên lửa ở Nhật. Ông Shoigu cho biết người Nga đã đề nghị tổ chức thêm cuộc gặp với Nhật để thảo luận việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chung quanh vòng cung biển Đông, ngoài lá chắn tên lửa ở châu Âu, trong đó có radar phòng thủ tên lửa mới ở miền Tây Nhật Bản trong khi tại tỉnh Aomori ở phía Bắc đã có một radar như vậy. Ông Shoigu thừa nhận: “Chúng tôi không hề giấu giếm rằng việc Mỹ tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, trong đó có Nhật Bản, khiến chúng tôi rất quan ngại, nhất là nguy cơ phá thế cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Bình luận (0)