Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov ngày 8-4 thông báo cảnh sát đã phong tỏa khu trung tâm thành phố Kharkov và chiếm lại tòa nhà hành chính địa phương.
Kiev “chống khủng bố”
Ông Avakov khẳng định các cơ quan thi hành pháp luật Ukraine đã thực hiện “chiến dịch chống khủng bố” ở Kharkov và bắt giữ 70 “kẻ đòi ly khai”. Ông nhấn mạnh chiến dịch không sử dụng vũ khí sát thương.
Trong khi đó, hãng tin UNIAN cho biết Tổng thống lâm thời Ukraine Olesandr Turchynov lưu ý người biểu tình ở miền Đông đã sử dụng vũ khí chống lại các nhân viên thi hành pháp luật, làm một số cảnh sát bị thương.
Theo ông Turchynov, chính quyền lâm thời Kiev coi những người chiếm các tòa nhà chính quyền ở miền Đông là “khủng bố”. Cùng ngày 8-4, những người biểu tình chiếm giữ tòa nhà hành chính ở Donetsk chuẩn bị đương đầu với lực lượng an ninh, đồng thời kêu gọi phụ nữ tham gia đấu tranh.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi chính quyền Kiev ngừng ngay mọi hành động quân sự ở miền Đông vì điều đó có thể gây ra nội chiến. Bộ này cho biết các đơn vị quân đội và lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine cùng với các chiến binh thuộc tổ chức vũ trang bất hợp pháp “Right Sector” đang kéo đến miền Đông Nam, trong đó có Donetsk. Moscow còn bày tỏ sự lo ngại khi có khoảng 150 nhân viên an ninh tư nhân thuộc Công ty Greystone (Mỹ) cùng tham gia chiến dịch kể trên.
Cảnh sát Ukraine ngày 8-4 đã giành lại quyền kiểm soát tòa nhà hành chính ở Kharkov
Ảnh: REUTERS
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, các nhà phân tích chính trị cho rằng kịch bản Crimea sẽ không lặp lại ở miền Đông Ukraine bởi sự kiện chiếm giữ các tòa nhà hành chính chỉ đủ để gây sức ép lên chính quyền Kiev và nhiều khả năng phá vỡ cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào cuối tháng 5 tới.
Theo hãng tin Interfax, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga, ông Viktor Ozerov, ngày 7-4 đã bác bỏ khả năng can thiệp vào Donetsk hoặc bất cứ nơi nào khác của Ukraine theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương. Ông nói việc đưa quân đội vào Ukraine phải được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bật đèn xanh.
Nga ủng hộ về tinh thần
Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga Fedor Lukyanov nhận định: “Tình hình ở miền Đông Ukraine khác xa với Crimea và Nga không có ý định lặp lại kịch bản ấy”. Theo ông, Nga chỉ giới hạn ở việc ủng hộ những người biểu tình về tinh thần.
Ông nhấn mạnh: “Đó là công cụ lợi hại để gây sức ép lên chính quyền Kiev, có thể đưa đến kết quả hình thành chế độ liên bang mà Moscow xem là hình thức nhà nước Ukraine mới”.
Viết bài đăng trên báo Anh The Guardian, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận Nga đã làm nhiều hơn tất cả mọi nước để ủng hộ nhà nước Ukraine độc lập trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lại thực hiện chính sách “không mang tính xây dựng” và “nguy hiểm”.
Ông Lavrov khẳng định Nga đang cố làm mọi việc để góp phần ổn định tình hình ở Ukraine một cách nhanh chóng nhất. Ông cũng đề nghị Ukraine cải cách hiến pháp theo hướng bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi khu vực ở nước này cũng như ngăn chặn hoạt động của tổ chức vũ trang bất hợp pháp “Right Sector” và các tổ chức dân tộc cực đoan khác.
Theo ông, nếu không thực hiện các biện pháp vừa nêu, Ukraine sẽ càng lún sâu vào khủng hoảng với những hậu quả khó lường.
Trong khi đó, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề nghị người đồng cấp Nga tiến hành đàm phán trong vòng 10 ngày tới với sự tham dự của Nga, Mỹ, Ukraine và EU. Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga yêu cầu đại diện các khu vực Đông Nam Ukraine cũng được tham dự đàm phán quốc tế.
Pridnestrovye muốn theo Nga
Theo hãng tin Itar-Tass, người đứng đầu Cộng hòa Pridnestrovye (hay Transnistria) thuộc Moldova, ông Yevgeny Shevchuk, ngày 7-4 tuyên bố Pridnestrovye và Moldova phải chia tay một cách văn minh, có thể giống như Czech và Slovakia, bởi vì Pridnestrovye mơ ước được độc lập cùng với Nga.
Trước đó, đại biểu quốc hội Pridnestrovye Vyacheslav Tobuk đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận cộng hòa này là nhà nước độc lập và sau đó sáp nhập vào Nga.
Bình luận (0)