Tuy nhiên, lực lượng này cáo buộc chính phủ của Tổng thống Syria đang tìm cách leo thang cuộc chiến nhằm nâng cao vị thế đàm phán.
Cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc làm trung gian nói trên - diễn ra trùng với thời điểm kỉ niệm 5 năm cuộc chiến bắt đầu, sẽ được tổ chức ở Geneva đúng 2 tuần sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Tình trạng bạo lực có phần hạ nhiệt nhờ thỏa thuận đình chiến này nhưng xung đột vẫn chưa chấm dứt. Trong ngày 11-3, nhiều hành động thù địch vẫn được ghi nhận ở miền Tây Syria, trong khi mặt trận chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn nóng bỏng ở phía Đông.
Tuyên bố của Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) - lực lượng chính của phe đối lập Syria - cho biết họ sẽ tập trung vào vấn đề thành lập một chính quyền lâm thời với đầy đủ quyền hành pháp, đồng thời sẽ nêu rõ mong muốn duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Song HNC tỏ ra không tin tưởng vào cơ hội đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria nhằm kết thúc cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người này, đồng thời dẫn tới một cuộc khủng hoảng tị nạn ở Trung Đông và châu Âu.
Phía Nga cho biết họ kỳ vọng chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ tham dự cuộc hòa đàm dù cho tới nay, Damascus vẫn chưa công khai xác nhận sẽ tham dự. Dự kiến, Ngoại trưởng Syria có thể sẽ thông báo về lập trường của chính phủ nước này về cuộc hòa đàm trong ngày 12-3.
Cuộc hòa đàm cách đây 2 năm đã sụp đổ vì các bên không thể nhất trí với chương trình nghị sự. Phía Damascus muốn tập trung vào chống chủ nghĩa khủng bố - đó là từ mà chính phủ này gọi quân nổi dậy, trong khi quân nổi dậy muốn thảo luận về chính phủ chuyển tiếp.
Ông Bouthaina Shaaban – cố vấn cấp cao của Tổng thống Syria Assad - hôm 11-3 nói rằng Nga đã hành động xông xáo hơn Mỹ và các đồng minh trong việc chống chủ nghĩa khủng bố.
Bình luận (0)