Theo thông tin do một quan chức Mỹ cung cấp cho hãng tin Reuters ngày 17-6, một số tay súng nổi dậy Syria đã thiệt mạng trong đợt không kích đầu tiên của Nga gần al-Tanf, miền Nam Syria hôm 16-6.
Lầu Năm Góc chỉ trích đợt không kích này làm dấy lên lo ngại về ý đồ của Nga tại Syria, đồng thời khẳng định sẽ bàn về vấn đề này với Nga. Không có lực lượng bộ binh Syria nào do Nga hậu thuẫn có mặt tại khu vực đó khi Nga tiến hành không kích.
Ảnh minh họa chụp từ video của Bộ Quốc phòng Nga năm 2015 cho thấy một chiến đấu cơ của Nga đang cất cánh từ một căn cứ không quân tại Syria. Nguồn: Reuters
Sự kiện này làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Mỹ giữa lúc nội bộ chính phủ Mỹ đang có nhiều ý kiến thất vọng về cách Mỹ xử lý cuộc chiến ở Syria. Hơn 50 quan chức ngoại giao Mỹ đã ký tên vào một bản ghi nhớ kêu gọi quân đội Mỹ tấn công vào chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo Reuters, nhiều quan chức Mỹ nói Nhà Trắng sẽ lắng nghe quan điểm của các nhà ngoại giao song Tổng thống Barack Obama nhiều khả năng không thay đổi chính sách ở Syria - tức là không trực tiếp tham chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu với phóng viên: “Đây là một đợt không kích nhằm vào các lực lượng đang chiến đấu chống IS. Ban đầu người Nga nói rằng họ đến đây để chống IS nhưng động thái này lại không cho thấy như vậy”.
Khi được hỏi về sự việc này, Điện Kremlin hôm 17-6 giải thích rằng rất khó để phân biệt giữa phe nổi dậy ôn hòa và các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria vì các lực lượng này thường chiến đấu ở các vị trí khá gần nhau.
Trước đó, Washington đã từng từ chối liên minh với Nga để chống IS tại Syria với cáo buộc Nga hành động chỉ để làm chỗ dựa cho chính phủ của ông Assad. Phía Mỹ luôn kêu gọi ông Assad từ chức nhưng đến nay vẫn chưa trực tiếp nhắm vào các lực lượng của ông.
Việc giao tiếp giữa quân đội Mỹ và Nga tại Syria chỉ giới hạn trong các cuộc liên lạc nhằm tránh đụng độ nhau khi không kích.
Theo thông tin từ quan chức giấu tên nói trên, trong đợt không kích đầu tiên của Nga hôm 16-6, quân đội Mỹ lập tức kích hoạt các kênh thông tin liên lạc khẩn cấp với Moscow để yêu cầu Nga ngừng hành động ở khu vực này.
Nhưng không lâu sau đó, Nga lại tiếp tục thực hiện một đợt không kích nữa. Ông Carter cho rằng có 2 khả năng: hoặc là Moscow cố ý tấn công các chiến binh nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn hoặc là Moscow đang gặp phải những “lỗ hổng tình báo” nghiêm trọng.
Ông Carter nói: “Nếu ý định của họ thật sự là tấn công các chiến binh chống IS thì họ đang mâu thuẫn với những gì họ định làm ban đầu. Còn nếu không, điều này cho thấy chất lượng thông tin tình báo của họ có vấn đề”.
Bình luận (0)