Hãng tin AP hôm 9-11 dẫn lời giới chức Mỹ cho biết thỏa thuận tập trung vào 3 nội dung chính.
Nội dung đầu tiên là giảm xung đột giữa lực lượng quân sự Nga và Mỹ đang hiện diện ở Syria. Trong nhiều năm qua, quân đội Nga và Mỹ đã duy trì đường dây nóng nhằm tránh các vụ đụng độ, thậm chí là đối đầu không mong muốn khi hoạt động trên bầu trời Syria. Khi IS gần như bị đánh bại hoàn toàn, Nga và Mỹ không còn kẻ thù chung ở Syria nhưng vẫn duy trì sự hậu thuẫn cho các bên đối lập. Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Mỹ hậu thuẫn các nhóm vũ trang đối lập. Điều này khiến 2 nước cần tăng cường trao đổi thông tin chặt chẽ về địa điểm hoạt động của các lực lượng quân sự của mỗi nước bất kỳ lúc nào.
Một chiếc xe tăng của chính phủ Syria trong cuộc giao tranh gần biên giới với Iraq hôm 8-11 Ảnh: AP
Ngoài ra, thỏa thuận còn nỗ lực tận dụng những tiến triển đạt được trong việc thiết lập những khu vực "xuống thang căng thẳng" góp phần mang lại bình yên cho một số địa phương ở Syria. Hồi tháng 7, 3 nước Mỹ, Nga và Jordan công bố thỏa thuận ngừng bắn tại miền Tây Nam Syria. Washington sau đó đánh giá thỏa thuận này nhìn chung được thực thi nghiêm túc và có thể mở rộng sang những nơi khác.
Cuối cùng, thỏa thuận tái xác nhận sự ủng hộ dành cho nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 9-11 nhận định tiến trình hòa đàm Geneva là hướng đi đúng đắn dù con đường phía trước còn dài. Một trong những vấn đề gai góc là số phận của Tổng thống Bashar al-Assad, người mà phía Mỹ trong nhiều năm qua cho rằng nên từ bỏ quyền lực. Washington và Moscow lâu nay vẫn bất đồng về việc có nên để Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền trong chính phủ mới ở Syria hay không.
Bên cạnh vai trò của Liên Hiệp Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng bắt tay tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, sự tham gia của Tehran khiến Mỹ không khỏi lo ngại về nỗ lực ba bên này.
Bình luận (0)