Quyết định được Moscow đưa ra sau khi Washington cấm bán một số mặt hàng thiết bị công nghệ cao sang Nga nhằm áp dụng lệnh trừng phạt sau vụ Nga sáp nhập Crimea.
Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, người phụ trách chương trình không gian Nga đồng thời nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, cho biết Moscow sẽ chỉ cung cấp động cơ tên lửa RD-180 và NK-33 cho Washington nếu chúng không được sử dụng cho mục đích quân sự.
Tuy nhiên, ông Rogozin cho biết thêm: “Thực tế chúng tôi không dám chắc động cơ tên lửa của mình sẽ được dùng để phóng vệ tinh phi quân sự nên không thể cung cấp các thiết bị này cho phía Mỹ”.
RD -180 là một phần của hệ thống khởi động tên lửa Atlas V do tập đoàn liên doanh Lockheed Martin- Boeing (Mỹ) sản xuất cùng với bộ đôi động cơ tên lửa NK-33 đến từ Nga. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thừa nhận Washington không đủ khả năng sản xuất một động cơ tên lửa hoàn chỉnh cho tới năm 2020.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 1-6, 11 trạm định vị GPS của Mỹ trên lãnh thổ Nga - đặt từ năm 1993 - sẽ buộc phải đóng cửa. Tác dụng của các trạm kể trên là cung cấp thông tin tham khảo làm cho các tín hiệu GPS trở nên chính xác hơn. Việc dừng hoạt động các trạm này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ trên thế giới.
Trong khi đó, Moscow có một hệ thống định vị vệ tinh riêng tên gọi GLONASS. Hai nước đang thỏa thuận để cho phép đặt GLONASS trên đất Mỹ nhưng chưa thu được kết quả. Ông Rogozin nhấn mạnh nếu đến thời hạn 31-5 mà cuộc đàm phán đi vào bế tắc thì hoạt động của 11 trạm GPS của Mỹ sẽ bị “chấm dứt vĩnh viễn”.
Phó Thủ tướng Rogozin còn tiết lộ Moscow sẽ không hợp tác với Washington để duy trì Trạm Không gian Quốc tế (ISS) đến năm 2024. Tàu vũ trụ Soyuz của Nga là thiết bị duy nhất có thể đưa các phi hành gia lên ISS, bao gồm cả phi hành đoàn của Mỹ.
Bình luận (0)