Sau khi sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea vào lãnh thổ mình, Nga bị Mỹ và Liên minh châu Âu đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế.
Tuy nhiên, hôm 22-4, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết việc bị áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế là một cơ hội tốt giúp Nga giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong khi các ưu tiên cho nền kinh tế vẫn không thay đổi.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ không từ bỏ hợp tác với những công ty nước ngoài, bao gồm cả các nước phương Tây nhưng chúng tôi sẽ đáp trả những hành động không thân thiện. Tôi tin nước Nga có thể giảm thiểu tác động từ bên ngoài và sẽ không để cho công dân của mình trở thành "con tin" trong trò chơi chính trị”.
Theo ông Medvedev, một số ngân hàng Nga đã đóng cửa hệ thống thanh toán quốc tế nhằm kích thích giao dịch thanh toán trong nước.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev Ảnh: Reuters
Trong một diễn biến khác, Washington cảnh báo sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nếu Moscow không tuân thủ các hiệp ước vừa ký kết tại hội nghị Geneva ở Thụy Sĩ vào tuần trước. Hồi tháng 3, Mỹ và EU đã áp dụng lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản của một số cá nhân người Nga.
Hiện chính quyền Moscow đang lên kế hoạch hợp tác với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ và Trung Quốc như một phần của hoạt động chống lại lệnh trừng phạt. Trong trường hợp cần thiết, Nga sẽ khiếu nại lên trọng tài của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cộng đồng người dân tộc thiểu số Tatars tại bán đảo Crimea vừa lên tiếng cáo buộc Nga về lệnh cấm lãnh đạo Mustafa Dzhemilev – một thành viên trong quốc hội Ukraine - trở lại Liên bang Nga trong vòng 5 năm.
Dịch vụ Di trú Liên Bang (RFMS) từ chối bình luận về vụ việc trong khi Bộ Ngoại giao Nga im lặng.
Hội đồng lãnh đạo Tatars (Mejlis) được nhà nước Ukraine thông qua những năm 1990 như một đại diện cho cộng đồng người dân tộc Tatars. Mustafa Dzhemilev (70 tuổi) nắm giữ vai trò chủ tịch từ năm 1991 cho đến nay.
Bình luận (0)