Các nhà nghiên cứu này theo dõi hoạt động của chiến dịch tuyên truyền Nga. Nhóm này còn khẳng định chiến dịch tuyên truyền Nga còn có ý đồ gây ảnh hưởng xấu đến nền dân chủ Mỹ. Để thực hiện được các ý đồ trên, chiến dịch của Nga đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau - bao gồm hàng ngàn rô-bốt phần mềm, mạng xã hội, hàng loạt nhóm người và trang web khác nhau.
Theo Washington Post, không thể xác định được liệu chiến dịch tuyên truyền trên có phải là nhân tố quyết định trong chiến thắng của ông Trump hay không. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, chiến dịch xuất phát từ Nga này đã gây mất niềm tin lớn với nền dân chủ Mỹ và giới lãnh đạo. Chiến dịch này cũng bao gồm thủ đoạn xâm nhập vào máy tính của các quan chức bầu cử ở nhiều bang khác nhau và công bố các email bị hack của bà Clinton trong những tháng cuối của chiến dịch tranh cử.
“Chúng muốn gây mất niềm tin nơi chính phủ Mỹ hay các lợi ích của chính phủ Mỹ” – ông Clint Watts, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại, cho biết. Ông Watts cùng với 2 đồng nghiệp Andrew Weisburd và J.M. Berger đã theo dõi hoạt động của chiến dịch tuyên truyền phía Nga từ năm 2014.
Các chuyên gia Mỹ khẳng định chiến dịch tuyên truyền của Nga đăng tải thông tin "giả" hạ uy tín bà Clinton. Ảnh: Arabnews
Một nhóm khác có tên PropOrNot khẳng định chiến dịch tuyên truyền Nga sử dụng hơn 200 trang web để đăng tải các thông tin giả trong mùa bầu cử. Theo PropOrNot, các trang web trên có tổng cộng ít nhất 15 triệu người Mỹ theo dõi. Trên Facebook, PropOrNot ước tính các thông tin giả được chiến dịch tuyên truyền Nga đăng tải nhận được ít nhất 213 triệu lượt xem.
Chiến dịch của Nga trong suốt mùa bầu cử, theo các nhà nghiên cứu của 2 nhóm, hoạt động bằng cách đăng tải các thông tin “gây sốc” và thuyết âm mưu về việc các lực lượng bí mật điều khiển thế giới. Theo các nhà nghiên cứu, phía Nga sau đó sẽ dùng tài khoản mạng xã hội để phóng đại và chia sẻ các “câu chuyện sai lệch” này.
Điện Kremlin liên tục bác thông tin Nga can thiệp vào kết quả bầu cử Mỹ hay tấn công tài khoản của các quan chức bầu cử. “Điều này thật vô lý” – Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố vào tháng trước.
Bình luận (0)