“Công nghệ chống vệ tinh bắt đầu được phát triển trong thời Chiến tranh lạnh và hiện trở thành một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt của quân đội các cường quốc trong thập niên qua” - ông Lamrani nhận định.
Chuyên gia này đặc biệt quan ngại về khả năng công nghệ Mỹ bị tấn công trên quỹ đạo. Washington đang dựa nhiều vào các tài sản trên quỹ đạo để phục vụ những hoạt động như định vị, nhắm mục tiêu chính xác, thu thập thông tin tình báo, thông tin liên lạc, cảnh báo sớm… Vị trí dẫn đầu cũng như sự phụ thuộc nhiều vào công nghệ không gian có thể khiến Mỹ trở thành mục tiêu bị tấn công của các đối thủ. Điểm mấu chốt ở đây là Trung Quốc và Nga hiện không dựa nhiều vào công nghệ không gian như Mỹ.
Bên trong Trung tâm Phối hợp hoạt động không gian thuộc Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ ở căn cứ không quân Vandenberg, bang California. Ảnh: Không quân Mỹ
Năm ngoái, Tạp chí Scientific American (Mỹ) từng đề cập về nguy cơ nổ ra chiến tranh ngoài không gian khi Trung Quốc, Nga, Mỹ đang chạy đua phát triển và thử nghiệm những công nghệ mới phục vụ cho một cuộc chiến ngoài trái đất. “Trung Quốc và Nga đang tìm cách thách thức vị thế thống trị của Mỹ trong không gian bằng những chương trình quân sự tham vọng của riêng mình” - bài viết nhận định.
Khi đó, tạp chí này dự đoán điểm nóng quân sự lớn tiếp theo sẽ không xảy ra ở biển Đông, Trung Đông hoặc Ukraine mà là trên quỹ đạo. Tuy nhiên, ông Lamrani cảnh báo đây là cuộc chiến mà không nước nào muốn tham gia bởi nó sẽ gây ra hậu quả vô cùng tàn khốc nếu xảy ra.
Để đối phó các mối đe dọa tiềm tàng, quân đội Mỹ bắt đầu tăng ngân sách dành cho nỗ lực cải thiện khả năng bảo vệ những vệ tinh đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia. Cụ thể, theo báo The Washington Post, Lầu Năm Góc dự định chi 2 tỉ USD cho các biện pháp kiểm soát không gian trong năm 2016 và con số này sẽ tăng lên hơn 20 tỉ USD trong năm tới.
Bình luận (0)