Theo ông, một sự hợp tác như thế không chỉ bảo đảm hai bên không bắn nhầm máy bay chiến đấu của nhau mà còn chống khủng bố. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Chiến dịch quân sự hỗn hợp Iraq, ông Yahya Rasool, cho biết các tay súng IS đã rút khỏi một số thị trấn ở miền Tây nước này, như Hit, Rutba, Kubaysa... hôm 13-3 để di chuyển về hướng biên giới với Syria.
Ngày 14-3, vòng đàm phán mới nhằm tìm giải pháp cho cuộc nội chiến Syria bắt đầu diễn ra tại TP Geneva - Thụy Sĩ, tập trung bàn vấn đề soạn thảo hiến pháp mới và bầu cử tổng thống. Phái đoàn chính phủ và phe đối lập Syria sẽ không gặp trực tiếp. Thay vào đó, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura sẽ nói chuyện với từng bên với hy vọng tìm được tiếng nói chung. Một trong những trở ngại lớn nhất lần này vẫn là tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bởi lập trường giữa hai phe quá cách biệt.
Phát biểu trước khi gặp phái đoàn chính phủ Syria, ông Mistura cho hay hòa đàm có thể kéo dài 10 ngày và cảnh báo tình hình sẽ chỉ tệ thêm nếu đàm phán thất bại. Quan chức này nhấn mạnh tương lai Syria sẽ do người dân quyết định và Liên Hiệp Quốc phải giúp đỡ họ.
Ông James Gelvin, giáo sư lịch sử tại Trường ĐH California Los Angeles (Mỹ), nhận định với đài CNN rằng có một số lý do để tin vòng đàm phán lần này sẽ khác so với những lần trước, đó là sự tham gia của Iran, không phe nào thực sự thắng thế trên chiến trường, IS trở thành mối đe dọa lớn đến nỗi cần phải chấm dứt nội chiến Syria mới nghĩ đến chuyện tiêu diệt nhóm này.
l Trong một diễn biến khác, không quân Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14-3 mở chiến dịch không kích 18 mục tiêu của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq chỉ vài giờ sau vụ đánh bom xe khiến 37 người thiệt mạng và 71 người bị thương ở thủ đô Ankara. Trong số các mục tiêu có cả dãy núi Qandil, nơi các thủ lĩnh PKK đang trú ngụ.
Song song đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc đột kích ở TP Adana, miền Nam nước này và bắt ít nhất 36 người bị nghi liên hệ với PKK, theo hãng tin Dogan. Giới chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một nữ thành viên PKK là 1 trong 2 kẻ bị nghi gây ra vụ đánh bom chiều tối 13-3 ở Ankara.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ cảnh sát đang truy tìm 20 chiếc xe có thể được dùng trong làn sóng đánh bom mới của PKK, nhiều khả năng diễn ra vào ngày 20-3.
Cũng trong ngày 13-3, các tay súng al-Qaeda đã giết chết 18 người, gồm 15 dân thường và 3 lính đặc nhiệm khi chúng tấn công chuỗi khách sạn ven biển ở Grand Bassam nằm cách thủ đô tài chính Abidjan của Bờ Biển Ngà 40 km về phía Đông.
Theo Reuters, 6 tay súng bị lực lượng an ninh tiêu diệt sau đó. Vụ tấn công mới nhất này cho thấy al-Qaeda đang mở rộng ảnh hưởng ở Tây Phi, thông qua nhánh al-Qaeda ở vùng Hồi giáo Maghreb (AQIM), để cạnh tranh với IS.
Bình luận (0)