Các nhà khoa học Nga vừa trình một chương trình thiết kế nhằm vô hiệu hóa các đe dọa ngoài vũ trụ. Được tính toán tỉ mỉ ở Viện Thiên văn học (RAS, thuộc Học viện Khoa học và Viện nghiên cứu Kỹ thuật Trung tâm - tổ chức công nghiệp vũ trụ hàng đầu của Nga), chương trình nói trên đã được Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Roskosmos phê chuẩn.
Theo RT, chương trình này không có gì giống với những kịch bản viễn tưởng Hollywood, không có laser, kẻ hủy diệt hay sứ mệnh cấy bom hạt nhân vào thiên thạch trước khi nó đáp xuống trái đất như trong Ngày tận thế của Bruce Willis. Hệ thống do các nhà khoa học Nga thiết kế bao gồm một mạng lưới kính viễn vọng tối tân giám sát vũ trụ và hành tinh của chúng ta.
Việc phá hủy thiên thạch trong tình huống khẩn cấp sẽ do một rocket với đầu đạn nhiệt hạch siêu năng lượng lớp megaton đảm nhiệm. Nếu hệ thống phát hiện đe dọa sớm, các phương tiện tối tân nhằm thay đổi quỹ đạo của nó sẽ lập tức được triển khai.
Chương trình tiêu tốn 58 tỉ rúp (hơn 1,9 tỉ USD) này đã được chuyển tới tay người đứng đầu nền công nghiệp quốc phòng Nga - Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin - và sẽ sớm được trình lên Thủ tướng Dmitry Medvedev.
Bà Lidia Rykhlova từ Viện Thiên văn học Nga - người thông báo chương trình này - cho biết Nga cần phải hiện đại hóa và tin học hóa toàn diện hệ thống kính viễn vọng ống 60 cm hiện có, đồng thời bổ sung những kính viễn vọng lớn hơn với ống 2 m. Theo bà, nước này cũng phải lập ra một trung tâm phân tích để thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau và phân tích kịp thời.
Giáo sư Đại học Quốc gia Moscow, người đứng đầu trung tâm thí nghiệm giám sát vũ trụ Vladimir Lipunov, cho biết trên Interfax rằng sẽ mất khoảng 2 năm để hiện đại hóa tất cả 9 kính viễn vọng hiện có của Nga và kết nối chúng thành một mạng lưới đồng bộ. Mạng lưới này có thể kết nối với toàn cầu trong vòng 5 năm. Ông Lipunov nói: “Dự án này sẽ tốn kém nhưng cũng chỉ bằng số tiền mà tỉ phú Roman Abramovich tiêu tốn cho CLB Chelsea”.
“Có rất nhiều thiên thạch áp sát trái đất và mỗi năm có ít nhất 1000 trường hợp được phát hiện”, bà Lidia Rykhlova cho biết, đồng thời cung cấp thêm chi tiết rằng mới 3 năm trước, con số các vụ thiên thạch tiến sát trái đất vào khoảng 7.000 vụ nhưng đến nay con số này đã lên tới 9.400 vụ. Phần lớn các thiên thạch đó đều tương đối lớn và đường kính vào khoảng 1 km hoặc hơn.
Sau vụ việc đáng chú ý gần đây nhất bao gồm vụ nổ thiên thạch khiến 1.200 người bị thương ở Nga và vài giờ sau đó là hiện tượng một tiểu hành tinh với ký hiệu 2012 DA14 tới gần Trái đất ở khoảng cách 27.000km, gần nhất từ trước tới nay, không chỉ nước Nga tăng tốc hơn trong công cuộc phòng thủ thiên thạch, mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng đã tiến hành hàng loạt các cuộc thảo luận cấp cao nhằm tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế về cách đối phó với các đe dọa từ các vật thể tiến tới trái đất.
Thực ra Tiểu ban Khoa học và Kỹ thuật thuộc Ủy ban Sử dụng Không gian vì mục đích hòa bình (COPUOS) của LHQ đã khai mạc phiên họp lần thứ 50 tại thành phố Vienna, Áo từ ngày 11-2, trước khi thiên thạch 100 năm mới xuất hiện một lần tấn công nước Nga. Tuy nhiên, chính trận mưa sao băng hôm 15-2 khiến cả thế giới chú ý mới làm các cuộc thảo luận ở hội nghị LHQ nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Trong nhiều năm qua, COPUOS lật đi lật lại ý tưởng thành lập Mạng lưới thu thập dữ liệu, phân tích và cảnh báo (IAWN) nhằm cung cấp cảnh báo kịp thời cho giới chức các nước trong trường hợp các vật thể trong vũ trụ có thể đe dọa địa cầu. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn chưa đưa hiện thực hóa trên toàn cầu.
Nổ thiên thạch ở Mỹ
Chỉ huy Lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ hôm 18-2 nhận được nhiều báo cáo của người dân miền nam Florida về một vụ nổ thiên thạch trên bầu trời vào lúc 19 giờ 30 phút. Theo Hiệp hội Nghiên cứu Thiên thạch Mỹ, có trụ sở tại New York, họ nhận được 27 cuộc gọi trong vòng 2 giờ sau sự việc.
Trước đó, hôm 15-2, cư dân bang California cho biết họ cũng không khỏi rùng mình khi thấy một vệt sáng bất thường trên vịnh San Francisco vài giờ sau vụ nổ thiên thạch Nga.
|
Bình luận (0)