Tổ hợp tên lửa Voyevoda, được trang bị tên lửa hạng nặng RS-20B, đã được đưa vào trực chiến vào cuối thập niên 1980, từng được đánh giá là cơn ác mộng đối với Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Đến nay, tên lửa này vẫn là loại có sức công phá mạnh nhất trong số tất cả mọi loại tên lửa của Nga. Dù đã có thâm niên sử dụng, RS-20B vẫn đạt hiệu quả trong điều kiện triển khai hệ thống phòng thủ lá chắn tên lửa như trước đây.
Tướng Karakayev khẳng định tên lửa Voyevoda vẫn sẽ còn trong thành phần chiến đấu của các lực lượng tên lửa cho đến năm 2022 và sẽ được rút ra từ từ.
Trong khi đó, cả Mỹ và phương Tây đều vẫn thắc mắc không biết loại tên lửa Nga thử nghiệm vào tháng 5-2012 có phải là Sarmat hay không.
Theo lời ông Karakayev, Nga cần phải có gần 1500 đầu đạn hạt nhân – tương đương số lượng đầu đạn của Mỹ. Ông nói: “Tôi không đưa ra con số chính xác tên lửa và đầu đạn trong thành phần các lực lượng tấn công chiến lược của Mỹ. Tôi chỉ lưu ý một điều, đó là việc họ giảm bớt số lượng đã được bù đắp bằng hành vi hiện đại hóa sâu rộng và hoàn thiện hơn nữa vũ khí tên lửa, tăng cường cho chúng những tính năng và chất lượng mới. Nước Nga cũng biết điều đó”.
Nga và Mỹ đã ký một loạt hiệp ước hạn chế số lượng ICBM nhưng kể từ sau các hiệp ước ký năm 2010, Moscow tuyên bố sẽ không ký thêm nữa trong tương lai gần với lý do hệ thống vũ khí của Mỹ đang gây ra những mối đe dọa tiềm tàng đối với nước Nga.
Bình luận (0)