Tạp chí Newsweek cho biết Quân khu miền Tây của Nga vừa kết thúc cuộc tập trận song phương cấp chỉ huy hôm 31-8 với sự tham gia của 6.000 nhân viên và 1.500 thiết bị quân sự.
Cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển ngoài khơi bang Alaska của Mỹ, cách hơn 6.000 km, và trên đất liền. Trong cuộc tập trận, hải quân Nga đã thực hiện các nhiệm vụ ở biển Baltic, vịnh Phần Lan, vùng Leningrad và Kaliningrad (nằm giữa Ba Lan và Lithuania).
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận hôm 31-8 nhằm ổn định biện pháp ứng phó, bao gồm tìm kiếm và tiêu diệt các nhóm vũ trang ngoài vòng pháp luật, tấn công đổ bộ vào bờ biển của đối phương, triển khai các hoạt động tấn công và phòng thủ khác.
Bộ Tư lệnh phòng không Bắc Mỹ (NORAD) sau đó điều máy bay F-22 "chặn 6 máy bay do thám Tu-142 của Nga tại Vùng nhận dạng phòng không Alaska, cách bờ biển bang Alaska 80 km". Bộ Chỉ huy miền Bắc của Mỹ còn "phát hiện một tàu ngầm Nga nổi lên cách bờ biển bang Alaska khoảng 55 hải lý cùng ngày".
Newsweek xác định con tàu được đề cập là tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Artey, Omsk, mới tham gia cuộc tập trận "Lá chắn đại dương 2020".
Một tàu hộ tống chống ngầm lớp Parchim của Nga tiến hành cuộc tập trận phòng không ở biển Baltic hôm 27-8. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với đài phát thanh WMAL-FM hôm 31-8 rằng Washington đã theo dõi các hoạt động ngày càng tăng của Nga trong và xung quanh Alaska cùng những nơi khác trên thế giới.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo Bộ Tư lệnh Tác chiến miền Tây của nước này cũng tiến hành một cuộc tập trận chiến thuật toàn diện hôm 31-8. Tham gia tập trận có các lữ đoàn tên lửa, pháo binh, đơn vị tác chiến điện tử, hệ thống phòng không có người lái và không người lái. Địa điểm nằm gần Grodna, khu vực giáp Lithuania và Ba Lan, hai nước bị Belarus và Nga cáo buộc thúc đẩy nỗ lực phế truất Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Cả Lithuania và Ba Lan gần đây đều bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự của Belarus cũng như vai trò của Nga trong việc bảo vệ ông Lukashenko. Latvia, một nước láng giềng khác của Belarus, tuyên bố họ đang theo dõi tình hình và tiếp tục kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử tổng thống lần hai ở Belarus. NATO và Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc cuộc bầu cử đầu tiên gian lận.
Mỹ lo ngại Nga có thể sử dụng tình hình an ninh đang xấu đi ở Belarus để mở rộng vị thế của mình trong khu vực thuộc khối Liên Xô cũ đang ngày càng gắn bó với NATO.
Ông Lukashenko thường xuyên liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc điện đàm mới nhất hôm 30-8, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định quan điểm chung nhằm tăng cường liên minh Nga – Belarus, mở rộng hợp tác đôi bên cùng có lợi trong mọi lĩnh vực, theo Điện Kremlin.
Bình luận (0)