Theo tạp chí The National Interest, Nga xếp Sprut-SDM1 vào nhóm thiết bị chống tăng nhưng nó giống một chiếc xe tăng hạng nhẹ hơn.
Với Sprut, Nga hiện tại là nước duy nhất còn sử dụng máy bay không vận xe tăng, sau đó thả nó xuống mặt đất để hoạt động.
Trước đây, quân đội Mỹ cũng từng thả xe tăng M551 Sheridan khỏi máy bay và đó cũng là lần triển khai thiết bị bọc thép từ trên không cuối cùng của Washington.
Lý do Mỹ ngừng triển khai hoạt động này bởi vì bộ giáp mỏng manh trên xe tăng cũng như hệ thống vũ khí không đầy đủ (để giảm trọng lượng) khiến sức chiến đấu của nó bị sụt giảm đáng kể. Từ đó, M551 Sheridan chỉ còn được dùng trong các hoạt động đào tạo.
Nga sắp thử nghiệm xe tăng mới từ… trên trời. Ảnh: The National Interest
Về Sprut-SDM1, nó có tổng trọng lượng chiến đấu là 18 tấn, chở được 3 người: một chỉ huy, một xạ thủ và một lái xe.
Xe được trang bị động cơ diesel UTD-29 với công suất 500 mã lực, tốc độ tối đa 70 km/h trên đường và 7 km/h trong nước.
Sprut-SDM1 tích hợp súng nòng trơn 2A75 cỡ nòng 125 mm bao gồm bộ nạp tự động làm tăng tốc độ bắn, súng máy hạng trung cỡ nòng 7,62 mm và súng máy điều khiển từ xa.
Sprut-SDM1 còn được trang bị 6 máy xả khói loại Tucha gắn trên tháp pháo. Xe thiết kế dựa trên xe chiến đấu BMD-4M, có thể vận hành ở địa hình đồi núi và nơi có khí hậu nóng.
Để đánh đổi trọng lượng nhẹ và hỏa lực mạnh, các kỹ sư Nga buộc phải giảm độ dày của bộ giáp. Vì vậy, nó chỉ chống lại được súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7 mm. Sprut-SDM1 được so sánh với các xe chiến đấu M-10 và M-18 của Mỹ - cũng có tháp pháo và súng tương đương với xe tăng nhưng bộ giáp mỏng hơn.
Cả Nga và Liên Xô trước đây đều duy trì hoạt động triển khai xe thiết giáp thả từ trên không cùng với nhân viên quân sự bên trong. Dù không có khả năng phòng thủ mạnh như một chiếc xe tăng trên mặt đất nhưng Sprut-SDM1 ít nhất cũng hỗ trợ cho quân đội Nga ở tuyến phòng thủ nhờ bộ giáp cùng với khả năng tấn công của một thiết bị bọc thép di động.
Bình luận (0)