Theo Reuters, đợt trừng phạt này nhằm hạn chế khả năng của Nga trong việc giao thương bằng USD, euro, bảng Anh và đồng yen của Nhật Bản.
Trong số những thực thể bị trừng phạt có 5 ngân hàng lớn, bao gồm Sberbank và VTB, bên cạnh các thành viên của giới tinh hoa Nga và gia đình của họ. Sberbank, ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga, sẽ không thể chuyển tiền với sự hỗ trợ của các ngân hàng Mỹ.
Nhà Trắng cũng đã thông báo các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm chặn quyền tiếp cận của Nga đối với mọi sản phẩm, từ hàng điện tử thương mại và máy tính đến chất bán dẫn và bộ phận máy bay.
Dù vậy, chính quyền Tổng thống Biden không áp lệnh trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin hay loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24-2 công bố lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga sau khi quốc gia này tấn công Ukraine. Ảnh: Reuters
Ông chủ Nhà Trắng khẳng định đợt trừng phạt mới nhất được thiết kế để gây tác động lâu dài đối với Nga và giảm thiểu tác động đối với Mỹ và đồng minh.
Tổng thống Biden đồng thời cảnh báo Washington sẵn sàng triển khai các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn để cô lập Nga khỏi kinh tế thế giới.
Cũng trong ngày 24-2, giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp lệnh trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Nga. EU sẽ đóng băng tài sản Nga trong khối, đồng thời cấm các ngân hàng của quốc gia này tiếp cận thị trường tài chính châu Âu.
Đây là những nội dung nằm trong gói trừng phạt được người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell mô tả là "khắc nghiệt nhất mà EU từng triển khai".
Người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell. Ảnh: Reuters
Đợt trừng phạt này cũng nhắm vào hàng loạt lĩnh vực của Nga, trong đó có năng lượng và vận tải, bên cạnh các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm kìm hãm hoạt động thương mại và sản xuất của quốc gia này. Tuy nhiên, cũng giống như Mỹ, EU không loại Nga ra khỏi SWIFT.
Ukraine thời gian qua liên tục kêu gọi phương Tây loại Nga ra khỏi hệ thống này. Tuy nhiên, khi được hỏi về SWIFT, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đáp: "Chúng ta cần duy trì phương án trừng phạt cho những đợt sau".
Đức trước đó đã thông qua quyết định đóng băng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga.
Mỹ trừng phạt Belarus
Bộ Tài chính Mỹ ngày 24-2 công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 24 cá nhân và thực thể Belarus, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Viktor Khrenin, vì "ủng hộ và tạo điều kiện" cho Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ngoài Bộ trưởng Khrenin, danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ còn có Thư ký Hội đồng An ninh Belarus Alexander Volfovich cùng 2 ngân hàng nhà nước Belinvestbank và Bank Dabrabyt, theo đài CNN.
Chính quyền Tổng thống Biden trước đó cảnh báo Belarus sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt "nhanh chóng và quyết đoán" nếu cho phép Nga triển khai chiến dịch quân sự từ lãnh thổ của Belarus.
Bình luận (0)