Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25-6 đến Trung Quốc trong chuyến công du nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, quân sự cũng như trao đổi lập trường về các vấn đề nóng của quốc tế hiện nay.
Nga tái cân bằng
Ngoài Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin gặp gỡ các quan chức cấp cao khác của nước chủ nhà, trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường. Chương trình nghị sự có các vấn đề nổi bật như tình hình ở Syria, Afghanistan và bán đảo Triều Tiên. Hai bên dự kiến ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác về tài chính tiền tệ, năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ, du lịch, nông nghiệp, giao thông vận tải...
Trang Sputnik đưa tin trong ngày 25-6, Moscow và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển máy bay thân rộng tầm xa và trực thăng. Còn theo Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, lãnh đạo hai bên cũng dự tính ký một thỏa thuận về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ tên lửa.
Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng những gì đang diễn ra là quá trình tái cân bằng của Nga từ Tây sang Đông. Tổng thống Putin muốn sử dụng chuyến thăm để cho phương Tây thấy các biện pháp trừng phạt không thể cô lập nước Nga. “Chúng tôi có lợi ích chung, đặc biệt là khi Mỹ gây áp lực lên cả Nga và Trung Quốc” - cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nga Lý Phương Lâm cho biết.
Theo trang Bloomberg, Nga bắt đầu xích lại gần Trung Quốc sau khi bị phương Tây trừng phạt năm 2014 do cuộc khủng hoảng Ukraine. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, còn Moscow là nhà cung cấp năng lượng quan trọng hàng đầu của Bắc Kinh. Dù vậy, nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại của 2 nước không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Một số dự án chung đang mất đà và kim ngạch song phương đang giảm giữa lúc Nga trải qua đợt suy thoái kéo dài nhất trong 2 thập kỷ qua còn kinh tế Bắc Kinh tăng trưởng chậm lại.
Phụ thuộc kinh tế Trung Quốc
Không những thế, Nga cảm thấy không thoải mái vì một phần dự án Con đường tơ lụa đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm phát triển hạ tầng ở Trung Á, nơi được xem là sân nhà của Moscow. Theo AP, Trung Quốc hứa sẽ điều phối dự án này với Liên minh Kinh tế Á - Âu do Nga đứng đầu nhưng Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh đàm phán song phương với các thành viên của khối.
Ngoài ra, Nga đang cân nhắc bán 19,5% cổ phần trong Tập đoàn Dầu mỏ Rosneft hiện do chính phủ Nga nắm giữ cho các nhà đầu tư Trung Quốc và Ấn Độ với hy vọng thu về ít nhất 11 tỉ USD. Theo trang Sina, kết quả này có thể giúp Nga bù đắp thâm hụt ngân sách do doanh thu từ dầu sụt giảm và tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin với khoản vay 12 tỉ USD từ 2 ngân hàng nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh và Moscow sẽ thúc đẩy xây dựng một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng ở vùng đất của Nga tại Bắc Cực. Chưa hết, hai bên còn bàn về dự án tuyến đường sắt cao tốc nối liền Moscow và Kazan. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dự kiến cung cấp một khoản vay 6 tỉ USD cho dự án này.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không hỗ trợ Nga vô tư. Ông Alexander Korolev, một nhà nghiên cứu về quan hệ Nga - Trung thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), cho rằng ông Tập “sẽ muốn một cái gì đó tương tự những gì Trung Quốc thể hiện với Nga trong khủng hoảng Ukraine, tức không công khai chỉ trích và không tham gia bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào nhau”.
Điều này thể hiện rõ qua việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 4 nhắc lại lập trường phản đối “quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp biển Đông và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán song phương thay vì cơ chế đa phương hoặc sự phân xử của tòa án quốc tế.
Bình luận (0)