Tờ báo cũng thu thập được tài liệu của Bộ Lao động Nga cho thấy ít nhất 700 giấy phép làm việc mới đã được cấp cho công dân Triều Tiên ở Nga trong năm nay.
Bộ Ngoại giao Nga không đưa ra bình luận về sự việc mà các quan chức Mỹ cho là nhiều khả năng vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, bởi cấm lao động Triều Tiên là biện pháp nhằm chặn bớt dòng tiền mặt chảy vào Triều Tiên, từ đó gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Dù vậy, Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora ngày 3-8 khẳng định nước này không nhận thêm bất cứ công nhân mới nào từ Triều Tiên và những giấy phép mới là được cấp cho các lao động vẫn đang làm việc tại Nga theo hợp đồng cũ.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính lao động Triều Tiên ở Nga mỗi năm gửi về Bình Nhưỡng khoảng 150 - 300 triệu USD, đồng thời tuyên bố đã đến lúc Nga cần phải thực hiện ngay và đầy đủ mọi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc mà nước này đã tham gia.
Lao động Triều Tiên ở Nga Ảnh: TASS
Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng không mấy mặn mà với những lời kêu gọi của Mỹ - lần này liên quan tới Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif ngày 3-8 xác nhận đối với quốc gia Trung Đông này, Trung Quốc đóng vai trò "then chốt" trong việc cứu thỏa thuận hạt nhân 2015 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút lui.
Thêm vào đó, theo 2 quan chức Mỹ, Trung Quốc không đồng ý cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran theo yêu cầu của Mỹ - động thái được đánh giá là ngón đòn giáng vào nỗ lực cô lập Tehran của Washington.
Tổng thống Trump đã ra lệnh áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran trong khi Washington ra sức thuyết phục các nước giảm nhập khẩu dầu của Iran từ ngày 4-11 tới - thời điểm việc nối lại lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực. Thậm chí, chính quyền Mỹ còn khuyến cáo rằng ngay cả đồng minh cũng đối mặt với lệnh trừng phạt nếu không giảm bớt mua dầu của Iran.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan khi Bắc Kinh đã đồng ý không tăng lượng dầu thô mua của Iran. Là nước mua dầu thô hàng đầu thế giới và là khách hàng số 1 của Iran, Trung Quốc từng tuyên bố phản đối lệnh trừng phạt đơn phương và đã tăng lượng dầu nhập khẩu hằng tháng từ Iran thêm 26% hồi tháng 7 năm nay, từ đó chiếm đến 35% số dầu xuất khẩu của Iran - theo dữ liệu của trang Bloomberg.
Bình luận (0)