Ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã nhóm họp tại thủ đô Brussels - Bỉ hôm 2-12, tiếp tục tập trung vào cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.
Trong tuyên bố sau cuộc gặp, các ngoại trưởng NATO và Ukraine lên án Nga tăng quân đến Crimea và “cố ý gây bất ổn” ở miền Đông Ukraine. “Chúng tôi lo ngại Nga có kế hoạch tăng cường lực lượng ở biển Đen” - tuyên bố nêu rõ. Về miền Đông Ukraine, các ngoại trưởng cáo buộc Nga “vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cung cấp xe tăng, hệ thống phòng không cùng các vũ khí hạng nặng cho phe ly khai”.
Cũng tại cuộc gặp, các thành viên NATO nhất trí thành lập một lực lượng phản ứng nhanh tạm thời vào đầu năm tới để đối phó với các mối đe dọa có thể đến từ Nga. Một lực lượng thường trực gồm 4.000 quân dự kiến thay thế lực lượng này vào năm 2016. Tuy nhiên, tham vọng gia nhập NATO của chính phủ mới ở Ukraine chưa được thảo luận tại hội nghị lần này.
Người mua sắm tại một cửa hàng bách hóa ở thủ đô Moscow - Nga. Ảnh: AP
Các nhà ngoại giao cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) không có ý định gia tăng trừng phạt Moscow, trừ khi cuộc xung đột ở Ukraine đột ngột leo thang. Nga là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu, vì thế nhiều nước EU lo ngại các biện pháp trừng phạt Nga và động thái trả đũa của Moscow có thể tổn hại nền kinh tế mình.
Phát biểu sau cuộc gặp của NATO, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định tuy lệnh trừng phạt chưa làm Nga ngừng ủng hộ phe ly khai Ukraine nhưng đã gây tổn hại kinh tế nước này.
Dẫn lời Thứ trưởng Kinh tế Nga Alexei Vedeva về việc nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2015, ông Kerry tuyên bố: “Rõ ràng kinh tế Nga đang cảm nhận tác động của sự trừng phạt”. Theo ngoại trưởng Mỹ, Moscow có thể tránh bị trừng phạt thêm bằng cách đồng ý tiến đến chấm dứt hậu thuẫn phe ly khai Ukraine về mặt quân sự - một cáo buộc bị Nga bác bỏ lâu nay.
Trước đó, Bộ Kinh tế Nga lần đầu tiên thừa nhận nguy cơ suy thoái trong năm tới nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu và phương Tây tăng cường trừng phạt. Theo bộ này, GDP của Nga năm 2015 có thể giảm 0,8%, khác xa dự báo tăng trưởng 1,2% ban đầu. Thu nhập thực tế của hộ gia đình Nga dự kiến giảm 2,8% thay vì tăng 0,4% như dự báo. Đánh giá này khiến thị trường chứng khoán Nga sụt giảm và đẩy giá trị đồng rúp xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự khó khăn, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 2-12 ký sắc lệnh hỗ trợ 790 triệu USD cho Gazprombank. Đây là ngân hàng thứ ba sau Ngân hàng VTB Group và Ngân hàng Nông nghiệp Nga được bơm vốn kể từ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây làm hạn chế khả năng mượn tiền của họ.
Giới phân tích nhận định kinh tế khó khăn khó có thể buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin nhượng bộ sức ép của phương Tây. Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn về rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group, nói với đài CNBC rằng dầu giảm giá càng dồn ông Putin vào chân tường, nhà lãnh đạo Nga không còn lựa chọn nào khác là “tiếp tục chính sách gây hấn với Ukraine và đối đầu với phương Tây”.
Trong khi đó, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Công ty Moody's Analytics, cho rằng ông Putin có thể làm phân tán sự quan tâm của người dân đối với những khó khăn kinh tế bằng cách gia tăng chính sách “hiếu chiến” đối với Ukraine và phương Tây khiến tình hình thêm căng thẳng và các thị trường tài chính lo lắng.
Kiev có bộ trưởng người nước ngoài
Quốc hội Ukraine hôm 2-12 đã phê chuẩn 3 người nước ngoài vào nội các mới thành lập. Theo đó, bà Natalie Jaresko, công dân Mỹ gốc Ukraine, giữ vai trò Bộ trưởng Tài chính; ông Aivaras Abromavicius, đến từ Lithuania, đứng đầu Bộ Kinh tế và ông Aleksandre Kvitashvili, người Georgia, làm Bộ trưởng Y tế. Cả 3 tân bộ trưởng được cấp quốc tịch Ukraine theo sắc lệnh đặc biệt của Tổng thống Poroshenko ngay trước phiên họp quốc hội.
Vào thời điểm được bổ nhiệm, bà Jaresko đang là Chủ tịch Quỹ Đầu tư Horizon Capital, trụ sở tại Kiev. Ông Kvitashvili trước đây là Bộ trưởng Y tế Georgia, còn ông Abromavicius là thành viên cấp cao của tập đoàn quản lý tài sản East Capital ở Kiev.
Tổng thống Poroshenko lập luận người nước ngoài không bị ảnh hưởng bởi tiến trình chính trị phức tạp của Kiev nên sẽ đưa ra những quyết định “mạnh mẽ và công bằng”, giúp vực dậy đất nước. Tuy nhiên, theo đài RT, nhiều người Ukraine lo ngại đây có thể là dấu hiệu của một đất nước đang mất dần chủ quyền.
Ngoài 3 tân bộ trưởng, quốc hội Ukraine quyết định giữ lại Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, Ngoại trưởng Pavlo Anatoliyovych Klimkin và Bộ trưởng Quốc phòng Stepan Poltorak. Điều này cho thấy sẽ không có thay đổi chính sách trong cuộc xung đột với lực lượng ly khai ở miền Đông. Thủ tướng Yatsenyuk khẳng định chi tiêu cho quốc phòng tăng thêm 7,88 tỉ USD trong năm tới và sẽ còn tiếp tục tăng.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)