Phó Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Quốc hội Bulgaria Martin Dimitrov cho rằng quyết định trên là bước đi chiến thuật của Tổng thống Vladimir Putin với mục đích gia tăng áp lực lên Bulgaria và Ủy ban châu Âu.
Theo hãng tin Tass, ông Dimitrov nhận định Tổng thống Putin sẽ không từ bỏ “Dòng chảy phương Nam” trong bất cứ trường hợp nào. Hãng tin Bloomberg cho biết Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov đã lên tiếng ủng hộ duy trì dự án có tổng vốn 50 tỉ USD này.
Tương tự, Serbia hy vọng cuộc đàm phán bổ sung giữa Nga và EU sẽ đạt được thỏa thuận tiếp tục xây dựng đường ống. Còn Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này sẽ phải tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế khác.
Khoảng 1/3 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga đi qua Áo thông qua trung tâm ở Baumgarten
Ảnh: REUTERS
Báo The New York Times gọi sự kiện Moscow ngưng dự án trên là thất bại về ngoại giao hiếm có của Tổng thống Putin, đồng thời là chiến thắng của EU và Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà quan sát Mỹ và châu Âu không đồng tình. Theo họ, với tư cách là nhà cung cấp, Nga không hề thua, còn Thổ Nhĩ Kỳ mới là người thắng trong vụ này.
Sự phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga vẫn còn đó. Hơn nữa, báo Anh The Times cho rằng Tổng thống Putin đã tuyên chiến về khí đốt với EU và biện pháp trừng phạt đầu tiên chính là ngưng “Dòng chảy phương Nam”.
Ủy ban châu Âu đang chờ đợi Nga đưa ra lời giải thích, đồng thời có ý định tiếp tục đàm phán với Nga và các bên liên quan để khơi thông lại dự án.
Trong khi đó, ông Martin Vladimirov, chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu dân chủ (Bulgaria), nghiêng về giả thuyết tiềm lực tài chính của Nga - cụ thể là tập đoàn Gazprom - không còn đủ sức cáng đáng dự án.
Theo ông, nhu cầu khí đốt của châu Âu đang giảm nên Gazprom muốn Đông tiến tìm thị trường mới. “Gazprom cần 100 tỉ USD trong vòng 4-5 năm tới để phát triển các giếng dầu ở phía Đông Siberia và xây dựng đường ống đến Trung Quốc” - ông Vladimirov nhận xét.
Bình luận (0)