Ông Vladimir Komoyedov cho biết trong số tất cả 40 tàu của hải quân Ukraine, có 20 tàu hiện đang neo đậu tại các căn cứ hải quân ở Sevastopol và vịnh Donuzlav ở Crimea. Ông Komoyedov nói: “Các tàu còn lại tại Crimea đầu tiên sẽ trở thành một phần của lực lượng tự vệ Crimea và sau đó sẽ nhập vào Hạm đội Biển Đen của Nga”.
Những tàu của hải quân Ukraine tại Crimea bao gồm 2 tàu hộ tống, 1 tàu chỉ huy, một số tàu tên lửa, tàu quét mìn và Zaporizhia, tàu ngầm duy nhất của Ukraine thuộc lớp Foxtrot chạy bằng điện và dầu diesel. Ông Komoyedov còn cho rằng hải quân Nga cũng có khả năng được tiếp quản những cơ sở hạ tầng phát triển của hải quân Ukraine trên bán đảo Crimea, bao gồm căn cứ Belbek và một mạng lưới các công sự ven biển.
Đổi lại, Ukraine đe dọa quốc hữu hóa tài sản của Nga nhằm trả đũa việc Crimea tuyên bố sở hữu các tài sản của Kiev. Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Pavlo Petrenko nói: “Nếu Nga chính thức công nhận các hành động của Crimea thì Ukraine bảo lưu quyền áp dụng những bước đi thích hợp để bù đắp lại tổn thất này bằng việc quốc hữu hóa những tài sản thuộc sở hữu của Nga trên lãnh thổ Ukraine và các nước khác. Chúng tôi sẽ thực hiện việc đó đúng pháp luật Ukraine và quốc tế”. Tuy nhiên, ông Petrenko không nói rõ đó là tài sản gì cũng như phương cách Ukraine quốc hữu hóa tài sản của Nga ở các nước khác.
Trong khi Nga nhanh chóng tiến hành các bước sáp nhập Crimea bất chấp sự phản đối của các cường quốc phương Tây, Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 18-3 tuyên bố Kiev sẽ không bao giờ công nhận việc Crimea trở thành một phần của Nga. Ông Oleksandr Turchynov phát biểu trước báo giới: “Các nhà lãnh đạo Nga sẽ phải trả lời trước thế giới vì những tội ác mà họ phạm phải hôm nay ở nước chúng tôi”.
Theo quan điểm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc Moscow can thiệp vào Crimea là hành động “chiếm đoạt đất đai”. Washington cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh NATO trên các đường biên giới với Nga, đồng thời cảnh báo Nga phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa trừ khi từ bỏ Crimea. Theo đó, Phó Tổng thống Mỹ cho biết nước này đang cân nhắc luân chuyển các lực lượng Mỹ tới vùng Baltic. “Chúng ta đang nói về Nga, vốn đang đặt bản thân vào một con đường làm xói mòn niềm tin lâu dài và tạo ra những trở ngại cho chính nước này trong nền kinh tế toàn cầu”, ông Biden nói sau cuộc hội đàm tại thủ đô Warsaw - Ba Lan.
Về phần Anh, nước này quyết định ngừng mọi hợp tác quân sự với Nga để phản đối hành động của Moscow đối với Crimea. Ngoại trưởng Anh William Hague thông báo quyết định ngừng hợp tác bao gồm cả kế hoạch tập trận hải quân chung giữa Pháp, Nga, Anh và Mỹ; hủy đề xuất tàu của Hải quân Hoàng gia Anh tới thăm St. Petersburg.
Bình luận (0)